Doanh nghiệp trồng mắc ca vẫn gặp nhiều khó khăn

06:44 - Thứ Bảy, 13/08/2022 Lượt xem: 4958 In bài viết

ĐBP - Mặc dù đã có không ít lần Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca tỉnh tổ chức họp, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca, nhưng đến nay tiến độ các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh vẫn rất chậm. Nhiều nhà đầu tư gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến tiến độ dự án như đã cam kết.

Công nhân Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc chăm sóc vườn cây mắc ca tại huyện Mường Nhé.

Cây mắc ca được xác định là loại cây chiến lược, chủ lực của tỉnh nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, việc mở rộng diện tích trồng cây mắc ca là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện, nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca với quy mô 85.815ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15.551 tỷ đồng. Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực để triển khai thực hiện các dự án trồng mắc ca theo cam kết; tỉnh, các sở, ngành, địa phương có dự án trồng cây mắc ca đã tích cực phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án; song, tiến độ triển khai các dự án rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Đến nay tổng diện tích đo đạc, quy chủ của các dự án mới đạt 13.253ha (đạt 15%) tổng diện tích thực hiện; diện tích đã trồng của các dự án chỉ đạt 3.938ha, đạt 27% so với tiến độ cam kết của nhà đầu tư đến năm 2022 và đạt 4,64% so với tổng quy mô các dự án được phê duyệt. Có nhiều dự án từ đầu năm đến nay chưa triển khai thực hiện trồng, như: Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ do Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc thực hiện với quy mô 20.000ha; đến nay tổng diện tích đo đạc mới đạt 2.761ha và từ đầu năm đến nay chưa thực hiện trồng mắc ca theo kế hoạch trồng 670ha trong năm 2022...

Quá trình triển khai các dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đa số diện tích đất trong vùng dư án đều đang do người dân quản lý, sử dụng, chưa được đo đạc, quy chủ; một số người dân chưa ủng hộ, tham gia thực hiện dự án, đòi hỏi nhà đầu tư phải hỗ trợ liên kết. Điển hình như thực hiện dự án trồng mắc ca của Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điên Biên tại huyện Nậm Pồ, trong quá trình tuyên truyền, thực hiện, người dân yêu cầu nhà đầu tư phải hỗ trợ đào hố hoặc chi phí đào hố thì mới tham gia dự án. Cùng với đó, tình trạng tranh chấp đất đai, ranh giới giữa bản với bản, giữa hộ dân với hộ dân trong vùng dự án, gây khó khăn trong việc đo đạc, quy chủ (tranh chấp đất giữa bản Huổi Chẩu và bản Nà Nọi, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ đến nay vẫn chưa giải quyết được, trong đó có 10ha nhà đầu tư đã hỗ trợ tiền khai hoang cho người dân).

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư chưa tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư sau khi được cấp UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, làm căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc triển khai các bước tiếp theo. Như thực hiện dự án trồng và phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Mường Ảng do Công ty Cổ phần Him Lam Điện Biên thực hiện, nhưng đến nay chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục phê duyệt dự án. Tương tự, Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc chưa thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn đo đạc quy chủ trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn huyện Tủa Chùa...

Đặc biệt, tiến độ các dự án trồng mắc ca chậm tiến độ có trách nhiệm không nhỏ của các địa phương có dự án trồng mắc ca và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan; chưa làm tốt chức năng quản lý trong việc hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, giám sát nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, như: Liên minh Hợp tác xã tỉnh chưa ban hành bộ hồ sơ mẫu về thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác (tính đến ngày 2/8); Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa báo cáo về nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, theo dõi, rà soát, cập nhật tình hình, tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời tham mưu cho tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, tại một số địa phương có dự án mắc ca chậm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện, mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đôn đốc, ảnh hưởng đến tiến độ làm các thủ tục đất đai, dẫn đến nhà đầu tư chưa huy động được vốn từ ngân hàng. Đơn cử, thực hiện Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ do Công ty Cổ phần Liên Việt thực hiện, do các địa phương chưa có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án của đơn vị. Quy mô của Dự án là 6.833ha, nhưng đến nay tổng diện tích đo đạc, quy chủ mới đạt 1.424ha (đạt 20,8%). Theo cam kết của nhà đầu tư, trong năm 2022 sẽ thực hiện trồng 2.500ha, song đến nay tổng diện tích đã trồng mới đạt 123ha (đạt 5% so với kế hoạch).

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mới đây (2/8), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, ưu tiên thực hiện trước ở các khu vực có dự án trồng cây mắc ca; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư dự án thực hiện công tác đo đạc, quy chủ, lập hồ sơ địa chính tại các dự án. Thường xuyên nắm tình hình, chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, bảo đảm tiến độ đề ra.

Đối với các địa phương có dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án mắc ca. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, đồng thuận tham gia các dự án trồng cây mắc ca, tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với nhà đầu tư và đơn vị liên quan trong đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về phía nhà đầu tư, cần khẩn trương thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; tập trung hoàn thành diện tích trồng cây mắc ca năm 2022 theo đúng tiến độ đã cam kết. Nghiên cứu, đề xuất với tỉnh vị trí xây dựng các nhà máy chế biến mắc ca bảo đảm công suất tiêu thụ, xây dựng nhà máy để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Phối hợp chặt chẽ với tỉnh, các cơ quan liên quan trong việc quảng bá, xây dựng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca Điện Biên.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top