Ngành dệt may gặp nhiều thách thức trong những tháng cuối năm

16:13 - Thứ Tư, 17/08/2022 Lượt xem: 3378 In bài viết

Ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực tự chủ xử lý các tình huống trở ngại để các điểm nghẽn, khó khăn của ngành được khai thông, tiến tới giữ vững mục tiêu xuất khẩu cho cả năm là 43,5 tỷ USD.

Ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may 7 tháng đầu năm 2022 có thể nói khá thuận lợi. Đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động dần ổn định sau khi Việt Nam triển khai tiêm vaccine thần tốc và chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt với COVID-19. Toàn ngành dệt may đã đạt được kết quả khả quan.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2022 ước đạt  26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 7 tháng ước đạt 15,48 tỷ USD tăng 7,9%. Kim ngạch xuất siêu đạt 11,07 tỷ USD, tăng 31% so với 7 tháng 2021.

Tuy nhiên, ngành dệt may cũng dự báo, những tháng cuối năm 2022, toàn ngành sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn. Hiện ngành dệt may Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp bởi những biến động khó đoán định trên thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Ngành dệt may gặp nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. (Ảnh: kinhtechungkhoan.vn) 

Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, châu Âu… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các doanh nghiệp dệt may từ nay đến cuối năm 2022; nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Căng thẳng Nga – Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết ảnh hưởng đến một số thị trường của dệt may Việt Nam như tại Nga, Ukraine và các nước khác trong khu vực. Thêm vào đó, doanh nghiệp dệt may phải chịu chi phí tăng tới 20-25% do giá nguyên, nhiên, phụ liệu từ đầu năm đến nay đã tăng rất nhanh.

Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu trung bình một năm khoảng 700 đến 750 tỷ USD, tuy nhiên dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… (Trung Quốc xuất khẩu 300 tỷ USD, chiếm khoảng 40%, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ là những quốc gia top sau đứng ở thị phần rất khiêm tốn khoảng 5-6% trong tổng nhu cầu nhập khẩu đó). Tại thị trường nội địa cũng phải cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu lớn của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam. Không những vậy, thị trường các nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam phần lớn là thị trường đẳng cấp và khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm, môi trường, hàm lượng tái chế, tiêu chuẩn lao động… Xu hướng thế giới cũng đang thay đổi, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững (tăng tuổi thọ sản phẩm, tỷ lệ tái chế, phí carbon…).

Không những vậy, dệt may là ngành thâm dụng lao động và chịu ảnh hưởng rất lớn do tác động của COVID-19. Nhiều người lao động về quê đã không trở lại, việc tuyển lao động mới cũng gặp khó khăn và tăng chi phí đào tạo, năng suất của lao động mới tuyển thấp. Nhất là tình trạng nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, làm việc thời gian ngắn rồi xin nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đã gây mất ổn định lao động.

Trước những khó khăn, thách thức này, ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực tự chủ xử lý các tình huống trở ngại để các điểm nghẽn, khó khăn của ngành được khai thông, tiến tới giữ vững mục tiêu xuất khẩu cho cả năm là 43,5 tỷ USD.

Để ngành dệt may có thể vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội trong phát triển cần các giải pháp thu hút đầu tư vào ngành dệt may, nhất là các dự án dệt-nhuộm, sản xuất nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường… Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường xuất khẩu, “xanh hóa” công nghiệp dệt may…

Hiện các doanh nghiệp dệt may cũng đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời, tìm cách thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới như đa dạng hóa dòng hàng, thị trường; ứng dụng cơ chế thanh toán mới khác cách mua bán truyền thống trước đây; tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường xuất khẩu, “xanh hoá” công nghiệp dệt may… qua đó hướng tới thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 68 - 70 tỷ USD vào năm 2030.

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top