Ngân hàng với áp lực vốn cuối năm

14:48 - Thứ Sáu, 19/08/2022 Lượt xem: 3020 In bài viết

Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng thương mại đối mặt với áp lực lớn về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19; giảm tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn... Trong bối cảnh này, mặt bằng lãi suất huy động dự báo có thể được điều chỉnh ở quý III-2022 và sẽ tăng trong quý IV-2022 đến quý I-2023 với mức tăng nhẹ...

 

 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Nguyễn Quang

Tác động của quy định tỷ lệ vốn

Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ lớn hơn vào cuối năm, khi tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% từ ngày 1-10-2022 theo quy định tại Thông tư số 08/ 2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Thực tế, vốn huy động tiền gửi là nguồn vốn ngắn hạn, nếu tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn cao thì rủi ro với hệ thống ngân hàng sẽ gia tăng. Song trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng huy động để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ. Giai đoạn cuối quý I và đầu quý III-2022, các ngân hàng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định trên. Các ngân hàng có vốn nhà nước cũng tham gia vào đợt điều chỉnh lãi suất này. Hiện, tại khối ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1% lên 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên mức 3,4%/năm và 12 tháng lên mức 5,6%/năm.

Yếu tố tiếp theo tạo áp lực với ngân hàng là nhu cầu vốn sau đại dịch Covid-19. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đến hết tháng 7-2022 tăng 9,42% so với đầu năm, tương đương mức tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trái lại, tăng trưởng huy động chỉ đạt 4,2% so với đầu năm, tương đương tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá, tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam quý II-2022 chạm mốc 7,7%, vượt xa mức dự báo 5,8%-5,9%. Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất kể từ năm 2011, nhờ vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng.

Tuy nhiên, yếu tố giảm áp lực vốn là nhiều ngân hàng đã tạm hết hạn mức tăng trưởng tín dụng. Thực tế là đà tăng lãi suất huy động có thể chậm dần. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tiếp sử dụng nghiệp vụ rút tiền đồng về. Bên cạnh đó, áp lực giá cả chưa rõ ràng, đà lạm phát vẫn tăng nhanh, có thời điểm tăng 0,7%. Chuyên gia tài chính, ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định, lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ ở khoảng 3,8-4,2%. Về cơ bản, mức lạm phát này là chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát trên thế giới rất cao.

Những dự báo lãi suất

Câu hỏi đặt ra là áp lực vốn có tác động như thế nào tới lãi suất và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi? Kết quả điều tra do Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực thu hẹp chênh lệch lãi suất biên và phí phi lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Đại diện các ngân hàng thương mại cũng cho biết tiếp tục giữ nguyên hoặc “thắt chặt nhẹ” các điều kiện cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản để bảo đảm chất lượng tín dụng, nhưng sẽ nới lỏng hơn đối với cho vay sản xuất, kinh doanh.

Các chuyên gia cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất cơ bản từ quý III-2022 cho đến quý III-2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%. Đại diện Ngân hàng TNHH một thành viên United Overseas Bank (UOB) nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có xu hướng khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II-2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài đáng quan ngại hơn. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất sẽ chưa quá lớn để vẫn có thể hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.

Theo Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam Ngô Đăng Khoa, Việt Nam là một trong số ít quốc gia châu Á chưa thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát đang gia tăng, nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV-2022. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi suất cơ sở trong quý III-2022 và sẽ tăng trong quý IV-2022 đến quý I-2023.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Với mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến thực tế, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đi cùng với tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top