Cây mắc ca trên miền biên viễn

07:54 - Thứ Bảy, 20/08/2022 Lượt xem: 6162 In bài viết

ĐBP - Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã và đang chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực triển khai Dự án Trồng mắc ca trên địa bàn. Đặc biệt, huyện đã phối hợp với các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện các nội dung của Dự án; từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Một buổi tuyên truyền về cơ chế, chính sách khi người dân tham gia trồng mắc ca ở bản Tân Phong, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ).

Triển khai Dự án Trồng cây mắc ca với quy mô 15.800ha tại 11 xã, huyện Nậm Pồ đã chấp thuận 2 nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên (thuộc Tập đoàn TH) thực hiện trồng 5.800ha mắc ca tại 3 xã: Nậm Nhừ, Nà Khoa, Na Cô Sa. Công ty Mắc ca Tây Bắc Điện Biên thực hiện trồng 10.000ha mắc ca trên địa bàn các xã: Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, Nậm Tin. Ngay sau khi dự án được phê duyệt, huyện Nậm Pồ đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên lập dự toán hỗ trợ, quy chủ cho người dân, nguồn kinh phí từ xã hội hóa và ngân sách huyện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phối hợp thực hiện Dự án... Cùng với đẩy mạnh việc tuyên truyền cơ chế, chính sách phát triển cây mắc ca của tỉnh và quyền lợi của người dân khi tham gia thực hiện dự án, UBND huyện đã tổ chức làm việc nhiều lần với nhà đầu tư. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Điện Biên tuyên truyền phát triển cây mắc ca và thành lập hợp tác xã trồng mắc ca.

Tại xã Si Pa Phìn, tổng diện tích sẽ đo đạc, quy chủ trồng cây mắc ca là 3.512ha. Riêng năm 2022 sẽ đo đạc, quy chủ xong 470ha diện tích. Đến thời điểm này, xã đã đo đạc, quy chủ được hơn 325ha trồng cây mắc ca. Đồng thời, thành lập HTX dịch vụ mắc ca. HTX được thành lập trên cơ sở tự nguyện của 15 thành viên với vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng. Sau khi thành lập, HTX và người dân xã Si Pa Phìn tập trung phát triển cây mắc ca; chú trọng liên doanh, liên kết đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất... Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Xã được giao trồng 200ha mắc ca (tại bản Tân Phong, Chiềng Nưa, Tân Lập...). Trong quá trình triển khai, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; khảo sát địa điểm, đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân về chủ trương trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, hiện nay đa phần đất của người dân là đất đồi hoang hóa, bỏ hoang nhưng sau nhiều lần họp bàn, thống nhất vẫn còn một số hộ chưa đồng thuận với việc cho doanh nghiệp thuê đất. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn và các tổ giúp việc đẩy nhanh tiến độ đo đạc, quy chủ các diện tích đất trồng cây mắc ca; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân.

Theo đánh giá của UBND huyện Nậm Pồ, quá trình triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca trên địa bàn gặp không ít khó khăn, vướng mắc bởi một bộ phận người dân chưa đồng thuận cao, do sợ mất tư liệu sản xuất, dự án không hiệu quả; chính sách hỗ trợ cho người dân liên kết với nhà đầu tư chưa được quy định, định mức hỗ trợ rõ ràng; một số nhà đầu tư chưa thật sự nhiệt tình, tâm huyết, phối hợp các phòng ban của huyện để triển khai, tuyên truyền trồng cây mắc ca... Vì thế, để hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về thực hiện dự án trồng cây mắc ca và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, huyện Nậm Pồ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án mắc ca trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, đồng thuận tham gia các dự án trồng cây mắc ca, tham gia HTX, tổ hợp tác...

Với mục tiêu trong năm 2022 toàn huyện sẽ trồng trên 700ha cây mắc ca. Trước nhất, huyện Nậm Pồ đẩy mạnh truyền thông, trong đó chú trọng tuyên truyền về giá trị của cây mắc ca; các cơ chế, chính sách của tỉnh trong thực hiện các dự án mắc ca; hỗ trợ liên kết phát triển mắc ca; vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển mắc ca trên địa bàn. Để hỗ trợ người dân khi tham gia Dự án, huyện đã thực hiện dựa theo thông báo 128 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Văn bản 973 của UBND tỉnh. Theo đó, tập trung rà soát các hộ gia đình có diện tích trên 5ha và sẽ thu hồi số diện tích đó giao cho nhà đầu tư, và nhà đầu tư sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Trong 5ha của gia đình đó, theo cơ chế của huyện và tỉnh, sẽ hỗ trợ tối đa không quá 5 triệu đồng/ha và không quá 2ha.

Bên cạnh việc chủ động hỗ trợ nhà đầu tư tiến hành đo đạc, quy chủ hoàn thiện các bước thực hiện dự án (Hiện Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Tây Bắc đã đã đo đạc, quy chủ được 350ha; Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên đã đo đạc, quy chủ được 216,43ha (tăng 18ha so với kỳ báo trước)... Huyện Nậm Pồ đề nghị các nhà đầu tư tổ chức cho người dân vùng dự án tham quan, học hỏi, thực tế tại các địa phương đã thực hiện thành công trồng cây mắc ca để nâng cao nhận thức, kích thích người dân đồng thuận thực hiện trồng. Thường xuyên cử cán bộ có mặt trên địa bàn huyện, xã để phối hợp tuyên truyền, giải thích cho người dân về các cơ chế, chính sách khi người dân tham gia liên kết với Nhà đầu tư thực hiện dự án trồng mắc ca, bao tiêu sản phẩm... Ngoài ra, việc phát triển cây mắc ca phải đảm bảo lợi ích hài hòa 3 bên “doanh nghiệp - người dân - địa phương”. Trong đó, vai trò doanh nghiệp là liên kết cùng các hộ dân, hỗ trợ giống cây tốt, kỹ thuật chăm sóc và tiêu bao sản phẩm; người dân có trách nhiệm thành lập tổ liên kết, HTX... chăm sóc tốt vườn cây của hộ gia đình theo đúng tiêu chuẩn, quy định và giữ vững liên kết khi mắc ca cho thu hoạch. Cơ quan quản lý Nhà nước giữ vai trò là đảm bảo lợi ích các bên; hỗ trợ người dân cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc thông qua doanh nghiệp.

Việc trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Nậm Pồ, ngoài mục đích giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, còn là giải pháp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần ổn định dân cư, nâng cao đời sống của nhân dân... Vì vậy, để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và các nhà đầu tư, rất cần sự đồng thuận, chung tay góp sức của người dân; qua đó tạo thêm sinh kế, góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập cho người dân ở khu vực vùng cao, biên giới.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top