Tránh rủi ro khi mua hàng trực tuyến

08:19 - Thứ Hai, 22/08/2022 Lượt xem: 3683 In bài viết

ĐBP - Vài năm trở lại đây, mua sắm trực tuyến đã trở thành phổ biến. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng bằng những chiêu trò, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Mạng xã hội phát triển, người tiêu dùng có thể mua hàng dù ở bất kỳ nơi đâu. Trong ảnh: Chị Nguyễn Hồng, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) mua sắm đồ thời trang trực tuyến.

Hiện nay, thông qua một loạt ứng dụng của các cửa hàng trực tuyến như: Lazada, Shopee, Tiki, AEON... người tiêu dùng có thể dễ dàng “đi chợ”, chọn thực phẩm, hàng thiết yếu và chờ giao tới tận nhà. Ngoài ra, cũng có thể mua hàng qua các trang thông tin điện tử (website), trang mạng xã hội, đường dây nóng chăm sóc khách hàng, điện thoại của mỗi siêu thị, sử dụng dịch vụ đi chợ hộ... hoặc mua hàng online tại các group trên facebook, zalo.

Anh Nguyễn Hồng Giang, tổ 6, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) - một người thường xuyên mua hàng trực tuyến chia sẻ: Tôi thấy việc mua sắm online là một giải pháp hữu hiệu vừa tiết kiệm thời gian để tập trung làm những việc khác, không phải đi lại nhiều ở những nơi đông người; hàng hóa được giao tận nhà. Chính vì thế tôi đặt mua trực tuyến hầu hết hàng hóa phục vụ nhu cầu hàng ngày.

Thế nhưng, bên cạnh lợi thế, mua bán hàng online vẫn tồn tại bất cập. Hiện tại, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi mua hàng trực tuyến như: Hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, lộ thông tin cá nhân... và ai cũng có thể trở thành nạn nhân chỉ với một cú nhấp chuột. Cách đây chưa lâu, khi vào mạng xã hội Facebook, chị Anh, ở phường Noong Bua (TP. Điện  Biên Phủ) đặt mua 5 bình xịt tẩy rửa đồ dùng nhà bếp siêu sạch cao cấp trên một trang bán hàng online với giá trên 300 nghìn đồng. Sản phẩm này được người bán quảng cáo là hàng Nhật, với công nghệ bọt tuyết nano thế hệ mới giúp đánh bay những vết bẩn lâu ngày. Chuyển khoản rồi nhận hàng, thế nhưng khi sử dụng chị Anh mới biết mình mua phải hàng nhái, trên sản phẩm không đề rõ thông tin, nguồn gốc, không có những tác dụng như quảng cáo.

Anh Hoàng Văn Định, ở tổ 29, phường Mường Thanh cho biết: Ngày nào mở facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Tôi đã thử mở một số trang để xem sản phẩm, tại đây người bán tư vấn có thể đổi trả nếu sản phẩm không đúng. Vì thế nên tôi đặt mua quần áo và giày, nhưng về mở gói hàng ra thì hoàn toàn không đúng màu sắc, chất liệu, không như hình ảnh và lời giới thiệu trên facebook.

Thời gian qua một số đối tượng bán hàng online còn có những “chiêu” lấy tiền của khách hàng qua hình thức đề nghị người mua chuyển 50% giá trị của sản phẩm, khi nhận hàng được kiểm tra rồi chuyển nốt số tiền còn lại. Song có trường hợp sau khi chuyển tiền thì người mua không thể liên lạc được với người bán, trang bán hàng cũng không còn tồn tại.

Thực tế cho thấy, mặc dù có những tác động tiêu cực nhưng mua sắm qua mạng vẫn là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh. Để hạn chế những bất cập trong thương mại điện tử nói chung và mua sắm hàng online nói riêng, một trong những điểm quan trọng là cần khắc phục “lỗ hổng” về chính sách liên quan thương mại điện tử. Các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số. Cần có quy định, điều kiện tham gia hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt nghiêm các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan thương mại điện tử để làm rõ cách thức quản lý, các mô hình, nền tảng kinh doanh, trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch, bao gồm cả người quản lý sàn giao dịch. Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai; ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Khi nhận hóa đơn, cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt mua cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top