Mường Ảng phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại

07:25 - Thứ Tư, 24/08/2022 Lượt xem: 3184 In bài viết

ĐBP - Phát huy lợi thế về đất đai, nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp, những năm qua huyện Mường Ảng khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại. Từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Chị Lò Thị Nguộc, bản Co Nỏng, xã Búng Lao chăm sóc đàn bò.

Trước đây, nhiều hộ dân trong huyện chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu lấy sức kéo, hiệu quả kinh tế không cao. Những năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, các công trình phục vụ dân sinh. Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mường Ảng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ chuyển giao kiến thức giúp bà con dân bản chuyển đổi hình thức chăn nuôi, hình thành các mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao. Vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại, nhân rộng những mô hình chăn nuôi tiêu biểu (vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - rừng). Cùng với đó, huyện cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung; hỗ trợ tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ bạt cho các hộ nghèo che chắn chuồng trại; hỗ trợ cho hộ dân có gia súc bị chết rét, dịch bệnh... Nhờ đó, đến nay, tổng đàn gia súc của huyện đạt gần 40.000 con; trong đó, đàn trâu, bò trên 13.000 con...

Với những chính sách phù hợp, bước đầu đã làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất từ hình thức chăn nuôi tự do, nhỏ lẻ của người dân địa phương sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhận thấy, lợi ích thiết thực từ việc phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, các hộ chăn nuôi ở huyện Mường Ảng dần bỏ tập quán chăn nuôi cũ. Vay vốn, đầu tư mua con giống tốt, xây dựng chuồng trại, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, học hỏi cách bảo quản dự trữ thức ăn chăn nuôi. Phối hợp với chính quyền, thực hiện tốt các biện pháp tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh định kỳ cho gia súc, làm tốt công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi.

Cũng như nhiều gia đình thuần nông khác, trước kia gia đình ông Lường Ngọc Ký, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, chỉ làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ từ 1 đến 2 con trâu, bò do thiếu kinh nghiệm, chưa áp dụng khoa học và chăn nuôi, không thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ nên đàn trâu, bò phát triển chậm. Những năm gần đây, khi được tham gia các lớp tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi. Ông đã áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình; kết hợp tiêm phòng bệnh định kỳ đầy đủ. Nhờ đó, đến nay đàn trâu, bò của gia đình ông Ký sinh trưởng, phát triển tốt, tăng lên trên 40 con (thời kỳ cao điểm gần 100 con). Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi trâu, bò đã mang lại thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo cho gia đình ông Ký.

Chị Lò Thị Nguộc, bản Co Nỏng, xã Búng Lao chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi có gần 1.000m2 ruộng lúa, làm 2 vụ nhưng cũng chỉ đủ ăn. Đầu năm 2022, thông qua nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (theo Nghị quyết 11 của Chính phủ) gia đình tôi vay 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 4 con bò sinh sản và 1 con lợn nái. Nhờ có vốn, lại được tập huấn kiến thức chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh nên gia súc phát triển tốt, kinh tế gia đình đã khá lên. Hiện gia đình có 6 con bò, 2 con lợn nái; cuối tháng 7 vừa rồi gia đình đã xuất bán 1 đàn lợn giống 10 con với giá 1,2 triệu đồng/con. Qua đó, tạo thêm nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Trên cơ sở chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tái cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang sản xuất theo quy mô gia trại, trang trại. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ; mở rộng quy mô, liên kết, thành lập các hợp tác xã chăn nuôi, chuyển giao ứng dụng khoa học kĩ thuật, tăng cường phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tạo điều kiện để các hợp tác xã, hộ gia đình tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi hiệu quả bền vững. Góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có trên 5.450 con trâu, 11.000 con bò...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top