Ngành da giày gặp khó về nguyên, phụ liệu

16:06 - Thứ Năm, 25/08/2022 Lượt xem: 2421 In bài viết

Tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu da giày tăng trưởng khá. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, các doanh nghiệp da giày còn gặp khó khăn khi thị trường sụt giảm sức mua, nguồn cung nguyên, phụ liệu bị thiếu và gián đoạn.

 Ngành da giày còn gặp nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên, phụ liệu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết: Tháng 7-2022, sản xuất da giày chỉ tăng nhẹ 3,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày tăng trưởng khá với 13%, đạt trên 14 tỷ USD. Mức tăng trưởng này khá đều ở các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ 24%; Liên minh châu Âu (EU) 17,5%...

Đáng chú ý, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang các thị trường có hiệp định thương mại (FTA) tiếp tục phục hồi tích cực. Trong đó, xuất khẩu sang khối thị trường thành viên Hiệp định thương mại Việt Nam - EU tăng 18,2%, thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 10,5% và thị trường Anh thông qua FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) tăng 10,9%.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân nhận định, từ nay đến cuối năm, hoạt động sản xuất, xuất khẩu da giày sẽ có nhiều thách thức. Trước hết, đó là do tác động của tình hình quốc tế, nhất là các thị trường xuất khẩu trọng điểm của da giày Việt Nam như EU, Mỹ đang sụt giảm tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức mua. Ngoài ra, các doanh nghiệp da giày vẫn gặp khó khi nguồn cung nguyên, phụ liệu bị thiếu và gián đoạn.

Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày gần đây đã cải thiện đáng kể (hiện đạt mức 55%, riêng đối với mặt hàng giày thể thao đã đạt 70-80%), nhưng vẫn gặp khó về đầu tư, sản xuất nguyên, phụ liệu. Chẳng hạn, mặt hàng da thuộc phải nhập hàng tỷ USD/năm do chịu các quy định ngặt nghèo liên quan đến môi trường.

Hiện nay, các mặt hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam có mức giá khoảng 16 USD/sản phẩm, được đánh giá trung bình về chất lượng cũng như giá cả trên thị trường thế giới. Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao hơn, trong thời gian tới, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, ngành da giày xác định phải nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. 

Nhìn nhận sâu hơn, bà Thanh Xuân nêu rõ, dù ngành da giày Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam nhưng chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu. Đặc biệt với EU, thị trường này có nguồn nguyên phụ liệu tốt, giá trị cao phù hợp để sản xuất sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Việt Nam cũng chưa tận dụng tốt cơ hội để có thể nhập khẩu công nghệ, thiết bị mới trong bối cảnh hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng công nghệ xanh và sạch.

Ngoài ra, để tránh đứt gãy nguồn cung nguyên liệu như đã xảy ra, doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung nhập khẩu vào một số thị trường mà cần đa dạng hóa.

“Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có thể hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi về thuế; cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục quảng bá năng lực, thông tin về những lợi thế của ngành da giày Việt Nam” - bà Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top