Điện Biên Đông chậm tiến độ giao đất giao rừng

06:42 - Thứ Bảy, 27/08/2022 Lượt xem: 8530 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Kế hoạch 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh về triển khai rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023, huyện Điện Biên Đông đã tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện. Tuy nhiên đến nay tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra, nhất là đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Tổ công tác giao đất, giao rừng huyện Điện Biên Đông xác định ranh giới rừng trên bản đồ tại bản Na Phát B, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông).

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện Điện Biên Đông đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thành lập các tổ công tác cấp huyện; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Hội đồng giao đất, giao rừng, UBND các xã, thị trấn tăng cường triển khai thực hiện. Các tổ công tác phối hợp với UBND cấp xã tổ chức rà soát diện tích rừng chưa giao trên địa bàn, đồng thời thu thập tài liệu, bản đồ, các thông tin liên quan; rà soát diện tích đất có rừng đủ điều kiện giao trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn kiện toàn Hội đồng giao đất, giao rừng cấp xã; tổ chức tuyền truyền, vận động nhân dân đồng thuận, nhận đất, nhận rừng, quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên tiến độ trên địa bàn huyện vẫn chậm so với kế hoạch đề ra, nhất là tiến độ giao đất lâm nghiệp chưa có rừng. Đến nay, tổng diện tích rừng huyện Điện Biên Đông đã giao trong giai đoạn 2013 - 2020 là 23.830,49/31.624,09ha. Giai đoạn 2021 - 2022, toàn huyện đã rà soát, đo đạc, quy chủ xác định diện tích 2.665,17/7.793,6ha (hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ). Lũy kế đến nay, tổng diện tích rừng đã giao khoán và diện tích rừng đã đo đạc quy chủ là 26.495,66/31.624,09ha, đạt 83,78%. Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng, huyện đã thực hiện rà soát, đo đạc, xác định diện tích trên địa bàn 10 xã được 8.061,4/45.712,31ha, đạt 17,64% kế hoạch. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ nội nghiệp để trình Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nói về nguyên nhân chậm tiến độ giao đất, giao rừng trên địa bàn, ông Quàng Ngọc Tiên, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Đối với đất lâm nghiệp có rừng, trên địa bàn nhiều xã còn tồn tại việc tranh chấp rừng, đất rừng từ nhiều năm. Một số vụ việc mặc dù đã được giải quyết song người dân chưa đồng thuận, thường xuyên kiến nghị thay đổi phương án giải quyết trước đó khiến sự việc kéo dài, gây rất nhiều khó khăn cho các tổ công tác trong quá trình thực hiện việc giao đất, giao rừng. Đơn cử như tại xã Tìa Dình xảy ra vụ việc tranh chấp khoảng 300ha của người dân các bản trên địa bàn. Vụ việc kéo dài nhiều năm qua song UBND xã chưa tích cực giải quyết tranh chấp, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của huyện để giải quyết dứt điểm những vướng mắc nảy sinh trên địa bàn. Vừa qua, thực hiện công tác giao đất, giao rừng, UBND huyện đã chỉ đạo tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở để giải quyết tranh chấp rừng tại xã Tìa Dình. Đến nay, sự việc đã được giải quyết và diện tích 300ha rừng tranh chấp đã được giao về cho các bản quản lý, bảo vệ. Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng gặp rất nhiều khó khăn khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân trên địa bàn các xã, thị trấn. Thực tế rằng, khi tổ công tác xuống tận bản tổ chức tuyên truyền, họp dân thì các hộ dân tham gia rất đông. Tuy nhiên, khi thông báo nội dung cuộc họp về giao đất, giao rừng là người dân không còn mặn mà, hào hứng và ra về, không dự họp. Cá biệt, có thôn bản, hôm tổ chức họp dân, cơ bản người dân đồng ý với phương án giao đất, giao rừng nhưng hôm sau tổ chức đi thực địa thì người dân lại không phối hợp, tham gia.

Năm 2022, xã Keo Lôm tiến hành giao 26,02ha đất lầm nghiệp có rừng, trong đó: Giao cho hộ gia đình, cá nhân 17,11ha và giao cho cộng đồng là 8,91ha. Còn giao đất lâm nghiệp chưa có rừng thì chưa tổ chức thực hiện.

Ông Vàng A Bông, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm cho biết: Xã đã tích cực phối hợp với các tổ công tác của huyện trong tuyên truyền người dân đồng thuận với việc tổ chức thực hiện giao đất, giao rừng theo kế hoạch của tỉnh, huyện. Tuy nhiên, hiện nay đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng người dân vẫn chưa đồng thuận. Xã Keo Lôm chủ yếu là địa hình đất dốc, người dân chủ yếu canh tác trên nương. Nếu thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa có rừng và để tái sinh thành rừng theo quy hoạch thì người dân sẽ thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, nếu khoanh nuôi tái sinh rừng trên đất nương cũ thì người dân cho rằng tiền thụ hưởng các chế độ, chính sách về rừng không đủ để trang trải cuộc sống. Do đó, đa phần người dân chưa đồng thuận với việc giao đất giao rừng. Bên cạnh đó, một số diện tích rừng tại khu vực hiểm trở khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ nên người dân không đồng ý nhận giao khoán.

Vừa qua, tổ công tác của tỉnh về giao đất giao rừng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm việc với UBND huyện Điện Biên Đông về đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 2783/KH-UBND.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đối với giao đất lâm nghiệp chưa có rừng, huyện Điện Biên Đông cần triển khai đồng thời công tác nội nghiệp và ngoại nghiệp mới có thể rút ngắn thời gian, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, các tổ công tác phải nâng cao hiệu quả tuyên truyền để người dân đồng thuận. Quá trình tuyên truyền phải giải thích rõ ràng cho người dân hiểu cặn kẽ bản chất của việc giao đất giao rừng là: Giao đất, giao rừng theo quy hoạch nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng. Có nghĩa là hiện trạng người dân đang canh tác, sản xuất thì vẫn canh tác, sản xuất bình thường. Ngoài ra, UBND các xã cần phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động... để người dân thay đổi tư duy sản xuất, ít phụ thuộc vào sản xuất luân canh, giảm gánh nặng về rừng, nhất là trong điều kiện dân số ngày càng tăng.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top