ĐBP - Bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, những năm qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân SXKDG, hàng nghìn hội viên được hỗ trợ vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Với bản chất cần cù, chịu khó của người nông dân, tích cực học hỏi kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dám nghĩ dám làm, không nản lòng trước mọi khó khăn, ông Đặng Đình Phiên, thôn Thanh Bình, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) đã thành công với mô hình kinh tế VAC cho thu nhập gần 700 triệu đồng/năm. Gia đình ông cũng trở thành hộ SXKDG tiêu biểu của tỉnh, được bà con trong vùng đến tham quan, học tập. Ông Phiên chia sẻ: Trước đây, gia đình ông phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi bò sinh sản, nhưng do diện tích chăn nuôi hạn hẹp nên ông đã quyết định bán đàn bò để chuyển sang mô hình VAC. Từ số vốn tích cóp được, ông đã đào 2.500m2 ao để nuôi cá giống, cá thương phẩm các loại như: Trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Cùng với đó, ông đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gia cầm kết hợp với trồng gần 2.000m2 mía, rau màu các loại. Trung bình mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 45.000 con cá giống, 15 tấn cá thịt, 25 tấn lợn thịt cùng hàng tấn rau các loại. Ngoài ra, ông còn mở thêm cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để bán cho bà con trong vùng. Nhờ đó, gia đình ông đã có nguồn thu nhập mà nhiều người mơ ước, từng bước xây dựng được cơ ngơi khang trang, nâng cao chất lượng đời sống.
Đó chỉ là một trong số hàng nghìn nông dân SXKDG của tỉnh. Ông Lê Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Xác định thực hiện phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm giúp hội viên vươn lên phát triển sản xuất, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Những năm qua, hội nông dân các cấp đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện phong trào SXKDG trong hội viên nông dân. Một trong những giải quan trọng được các cấp Hội quan tâm thực hiện là việc nâng cao nhận thức, tư vấn, dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hơn 110 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 3.900 hội viên, sau đào tạo có trên 80% hội viên có việc làm, nâng cao được hiệu quả lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống. Song song với đó, Hội tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng nhanh sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, Hội triển khai xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn hội viên cách chăn nuôi, sản xuất; mô hình xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù tại 17 xã trên địa bàn tỉnh, qua mô hình đã hỗ trợ gần 1.300 con trâu, bò sinh sản cho hội viên, sau một thời gian chăm sóc đàn trâu, bò đã sinh sản thêm hơn 2.850 con và được luân chuyển cho các hội viên khác tiếp tục chăm sóc phát triển.
Đáng chú ý, để giúp hội viên có vốn đầu tư mở rộng kinh doanh, chăn nuôi, sản xuất, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện tín chấp giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Tính đến tháng 6/2022, Hội đang duy trì 600 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo vốn vay cho hơn 23.370 hộ, tổng dư nợ hơn 1.024 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội đã tạo điều kiện giúp hơn 600 hộ vay vốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi với tổng dự nợ hơn 23,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội phối hợp tổ chức triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân; hỗ trợ thông tin và tiêu thụ nông sản cho hội viên; hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; xây dựng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đến nay toàn tỉnh có 3.029 hộ SXKDG các cấp. Trong đó, 28 hộ SXKDG cấp trung ương, 148 hộ SXKDG cấp tỉnh, 820 hộ SXKDG cấp huyện và 2.033 hộ SXKDG cấp cơ sở. Đáng nói, qua phong trào bình quân mỗi năm toàn tỉnh có trên 1.000 hộ nông dân được hỗ trợ, giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Đây là kết quả quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương, giúp người nông dân từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.