Khó phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp, hợp tác xã

07:02 - Thứ Tư, 31/08/2022 Lượt xem: 4222 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 1.320 doanh nghiệp (DN), 273 hợp tác xã (HTX) song mới chỉ có có 30 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh bằng phương thức thương mại điện tử (TMĐT) được tiếp nhận và chấp thuận thông báo đăng ký hoạt động dưới sự quản lý của ngành. Bên cạnh số ít DN, HTX đã đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường thì hầu hết DN, HTX chưa thực sự tiếp cận được ứng dụng này.

Hầu hết các DN, HTX trên địa bàn tỉnh chưa thực sự tiếp cận được ứng dụng TMĐT. Trong ảnh: Sản phẩm của HTX Thổ cẩm Lào Na Sang II được bán theo phương thức truyền thống.

Là HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản đã lâu song hiện nay, HTX Hồng Phước (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ) vẫn bán hàng theo phương thức truyền thống, chủ yếu là bán sỉ cho tiểu thương trong và ngoài tỉnh. Ông Lò Văn Pâng, Giám đốc HTX Hồng Phước cho biết: Trên thị trường, trong và ngoài tỉnh, sản phẩm miến dong của HTX đã được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Mỗi năm HTX liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cho hàng trăm hộ nông dân tại các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ); Mường Đăng (huyện Mường Ảng) và một số xã của huyện Mường Chà, Điện Biên Đông. Lượng miến dong thành phẩm xuất bán đạt khoảng 50 - 60 tấn/năm. Sau khi lấy sỉ về, những người mua miến dong từ HTX mới rao bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội facebook, zalo và một số sàn TMĐT: Shopee, Lazada. Do thiếu nhân lực về TMĐT, HTX chưa chủ động tiếp cận, phát triển được ứng dụng này.

Thực tế, không riêng HTX Hồng Phước, nhiều DN, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự tiếp cận được ứng dụng TMĐT. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nhân lực TMĐT trong các DN vẫn còn hạn chế, hạ tầng TMĐT chưa phát triển. Một số DN đã xây dựng website TMĐT phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh song mới chỉ dừng ở mức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công bố giá bán, thông tin so sánh sản phẩm, phương thức giao nhận hàng. Còn về tính năng thanh toán trực tuyến, phần lớn DN, HTX chưa thực hiện được mà vẫn áp dụng phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt thông qua hình thức thu hộ, một số ít thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng.

Theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021 - 2025, Điện Biên đặt mục tiêu về ứng dụng TMĐT trong DN, hộ kinh doanh có 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT; 30% doanh nghiệp tham hoạt động thương mại trên các ứng dụng di động. Để đạt được mục tiêu đề ra này không dễ bởi thực tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh DN chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, khó khăn về tài chính, chi phí bán hàng trên các sàn TMĐT khá cao. Nhằm đẩy mạnh TMĐT trong các DN, HTX, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển TMĐT đã được duyệt; xây dựng đề án thuộc chương trình phát triển TMĐT quốc gia, chương trình phát triển thương mại của tỉnh để hỗ trợ các DN, HTX, chủ thể OCOP thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử, xây dựng website, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu, quản lý bán hàng, ứng dụng chữ ký số, sử dụng việc kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan, chuyển tiền qua ngân hàng, thanh toán trực tuyến và các giao dịch TMĐT. Trước mắt, trong tháng 9 tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT cho 50 học viên là các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh. Với chủ đề “Thiết lập hệ thống kênh bán hàng trực tuyến”, đây sẽ là cầu nối giúp các DN, HTX, hộ kinh doanh có thêm kiến thức trong lĩnh vực khởi nghiệp, kinh doanh TMĐT; các cách thức xây dựng chiến lược, kế hoạch, điều tra thị trường, thương hiệu, marketing; xây dựng hệ thống phân phối, xúc tiến điểm bán; thiết lập kênh bán hàng online qua mạng xã hội facebook, zalo, instagram, bán hàng qua Website. Cùng với đó, đẩy mạnh vận động DN, HTX sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, nhằm giúp các đơn vị bảo vệ và nâng cao uy tín của sản phẩm; qua đó, khẳng định vị thế và giá trị thương hiệu của DN.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top