Giải pháp đổi mới, phát triển ngành Nông nghiệp

08:36 - Thứ Sáu, 02/09/2022 Lượt xem: 3918 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh khẳng định được vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp chiếm 18,76% trong GDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,31%, vượt 36,4% mục tiêu bình quân năm; bước đầu đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, dự án lớn đầu tư vào nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng hàng hóa; đã xác nhận được 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Người dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên) trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Người dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên) trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.

Song bên cạnh những con số tích cực trên, ngành Nông nghiệp tỉnh được đánh giá là tăng trưởng chưa bền vững, có quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn, năng suất lao động thấp, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Tổ chức thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân còn thấp; phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong công tác xây dựng nông thôn mới ở vùng cao, biên giới kết quả chưa cao, các tiêu chí chủ yếu như thu nhập, điện, giao thông, cơ sở vật chất, môi trường... chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân được xác định do Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, đất sản xuất phân tán, manh mún; trình độ sản xuất còn hạn chế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ lẻ. Trong khi đó, nguồn lực huy động, đầu tư cho sản xuất, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách thực hiện xây dựng nông thôn mới, đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn bất cập và chưa đồng bộ. Cùng với đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế; công tác phối hợp có việc còn thiếu chủ động. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự giác vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Mục tiêu của tỉnh về đẩy mạnh phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm nghiệp xác định trên cơ sở cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung, có liên kết và ứng dụng công nghệ cao; tăng cường khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương... Trong đó, tỉnh xác định đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, lâm nghiệp đạt 3,16%/năm; cơ cấu lại ngành Nông, lâm nghiệp chiếm 16,42% GRDP của tỉnh; giá trị sản xuất 1ha trồng trọt tăng thêm từ 15% trở lên. Diện tích gieo trồng cây lương thực 82.150ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 280 nghìn tấn. Duy trì và khai thác tối đa hiệu quả đối với diện tích cây cao su, cà phê. Đối với phát triển đàn gia súc, bình quân đạt 3,5%/năm trở lên; đàn gia cầm 5%/năm trở lên. Đồng thời, phấn đấu có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trên 45% số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn dưới 22%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 1,3 lần so với năm 2020...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đổi mới, phát triển ngành Nông nghiệp, giải pháp đặt ra cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các đề án: Đề án Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Đề án Phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh và Đề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định khẩn trương rà soát, củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại...); ưu tiên thực hiện sắp xếp bố trí dân cư, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất cấm trong chăn nuôi, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; chú trọng công tác dự báo, phòng chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc cây con giống.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia có hiệu quả đối với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư vào nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án mắc ca...

Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top