ĐBP - Thực hiện chủ trương phát triển đô thị thị trấn Mường Ảng giai đoạn 2020 - 2025, huyện Mường Ảng đã tập trung nguồn lực đầu tư nhiều công trình trọng điểm. Điển hình như công trình Chợ trung tâm huyện Mường Ảng (Chợ trung tâm), đường nội thị, đường 42m, đường 27m… đã hoàn thành đưa vào sử dụng... Tuy nhiên, từ khi Chợ trung tâm huyện Mường Ảng khánh thành đưa vào sử dụng đến nay, một số hộ dân tại chợ cũ (tổ dân phố 7, thị trấn Mường Ảng) vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho UBND thị trấn Mường Ảng.
Ông Nguyễn Ngọc Bá (Xuyên), tổ dân phố 7, thị trấn Mường Ảng, cho biết: Năm 2004, gia đình tôi có mua lại ô quán (nhà bán vĩnh cửu) số 11, thuộc dãy 01, chợ Mường Ảng (chợ cũ) của một hộ dân. Giá trị mua tại thời điểm ấy là 53 triệu đồng (tương đương một thổ đất đô thị mặt đường) có chứng nhận của UBND thị trấn Mường Ảng. Hiện nay, nếu thị trấn lấy lại thì phải bồi thường thỏa đáng cho gia đình tôi. Thị trấn lấy lại đất để làm các công trình công cộng, phục vụ người dân thì gia đình tôi đồng ý giải tỏa và nhận bồi thường; nếu thị trấn thu hồi đất mà đem phân lô bán đấu giá cho người khác, gia đình tôi không đồng ý di dời.
Trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Mường Ảng cũng mua ô quán tại chợ cũ từ năm 2001. Trong giấy chuyển nhượng ghi rõ nội dung: Chuyển nhượng ô quán chợ là cái giếng cũ sâu 8m, rộng 6m tại chợ cũ, sau khi tôn tạo mặt bằng sử dụng có chiều dài 6m, rộng 4m, tổng diện tích 24m2, với số tiền chuyển nhượng 10 triệu đồng. Từ năm 2001, gia đình ông Khánh làm quán ăn và không xảy ra tranh chấp với ai; đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Nguyện vọng của gia đình muốn UBND thị trấn Mường Ảng xem xét bồi thường thỏa đáng về đất và tài sản gắn liền trên đất cho gia đình.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Ảng cho biết: Theo Quyết định số 64/QĐ-UB ngày 13/5/1992 của UBND huyện Tuần Giáo, cấp khu đất thuộc thị trấn nông trường Mường Ảng cho thị trấn nông trường (nay thuộc thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng) xây dựng Chợ mới, chiều dài 44m, chiều rộng 39m. Theo đó, UBND thị trấn nông trường Mường Ảng đã vận động các hộ dân đóng góp 3 triệu đồng để xây dựng chợ và mỗi hộ sẽ được UBND cho thuê ô quán để kinh doanh, thời hạn 12 năm (đến năm 2008 hết hạn). Từ đó đến nay UBND thị trấn Mường Ảng cho các hộ kinh doanh thuê theo hình thức ký hợp đồng từng năm một.
Giải phóng mặt bằng khu chợ cũ (tổ dân phố 7, thị trấn Mường Ảng) có 36 hộ phải di dời trả lại mặt bằng cho thị trấn Mường Ảng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2020, khi Chợ trung tâm huyện Mường Ảng khánh thành đi vào hoạt động, thị trấn đã có chủ trương di dời, chuyển các hộ kinh doanh từ chợ cũ sang Chợ trung tâm. Nhưng đến nay vẫn còn 5 hộ (Nguyễn Thùy Vân (Nguyễn Ngọc Tấn); Vũ Thị Thu Thủy; Nguyễn Văn Khánh (Hoa); Nguyễn Ngọc Bá (Xuyên); Tạ Thị Chính) không đồng ý tháo dỡ tài sản, công trình trên đất chợ cũ hoàn trả mặt bằng cho dù đa số các hộ đã được UBND thị trấn tạo điều kiện, bố trí cho thuê một ô quán tại Chợ trung tâm.
Sau nhiều lần tuyên truyền vận động, đối thoại các hộ dân đều không chấp thuận. Gần đây nhất ngày 29/7/2022, UBND huyện Mường Ảng đã có các Quyết định 3102/QĐ-KPHQ, 3103/QĐ-KPHQ, 3104/QĐ-KPHQ, 3105/QĐ-KPHQ, về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các gia đình (ông/bà): Nguyễn Thùy Vân, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Ngọc Bá, Tạ Thị Chính. Quyết định nêu rõ thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định. Ngày 2/8/2022, UBND thị trấn Mường Ảng đã giao trực tiếp quyết định cho các hộ dân, nhưng có 2 hộ (Nguyễn Ngọc Bá, Tạ Thị Chính) không nhận. Thời gian tới, UBND thị trấn Mường Ảng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục pháp lý, thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Được biết liên quan đến nội dung này, ngày 14/6/2022, UBND huyện Mường Ảng đã có thông báo số 55/TB-UBND, kết luận của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hiệp tại cuộc họp với các phòng, đơn vị và các xã thị trấn về giải quyết những tồn tại, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng một số hộ dân còn lại của chợ cũ, thị trấn Mường Ảng.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện giao Phòng Kinh tế Hạ tầng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xác định giá trị tài sản còn lại của 3 hộ gia đình: Nguyễn Thùy Vân (Nguyễn Ngọc Tấn), Vũ Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Khánh (Hoa); ký biên bản thống nhất với các hộ dân, đề xuất phương án xử lý tài sản trên đất đối với các hộ gia đình nói trên, báo cáo UBND huyện trước ngày 20/6/2022. Giao UBND thị trấn Mường Ảng phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cưỡng chế 5 hộ dân: Nguyễn Thùy Vân (Nguyễn Ngọc Tấn), Vũ Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Khánh (Hoa), Nguyễn Ngọc Bá (Xuyên), Tạ Thị Chính và hoàn thành kế hoạch cưỡng chế báo cáo UBND huyện trước ngày 15/7/2022.
Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Theo Quyết định số 64/QĐ-UB ngày 13/5/1992 của UBND huyện Tuần Giáo, thì đất chợ cũ thuộc quyền quản lý của thị trấn nông trường Mường Ảng (nay là thị trấn Mường Ảng) cho các hộ thuê ô quán để kinh doanh, buôn bán. Nay UBND thị trấn có chủ trương lấy lại vì các hộ đã có nơi kinh doanh mới khang trang, sạch đẹp đảm bảo mĩ quan đô thị. Đa phần các hộ đã đồng tình ủng hộ bàn giao mặt bằng, riêng 5 hộ gia đình không chịu di dời dù đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, đối thoại... Cụ thể, xét thấy hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Bá (Xuyên) không có nơi cư trú ổn định nào khác ngoài ô quán chợ, UBND huyện đã bố trí cho gia đình ông thuê 1 ô quán tại Chợ trung tâm; đồng thời, có chủ trương giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê nhà cho gia đình ở trong thời gian 6 tháng, cho đến khi xây xong hoặc tìm được nhà mới. Nhưng gia đình ông Bá không đồng ý với phương án nêu trên. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý, cưỡng chế các hộ gia đình theo quy định.
Việc để tình trạng giải phóng mặt bằng chợ cũ kéo dài, đơn thư khiếu kiện vượt cấp của người dân không chỉ gây mất mĩ quan, trật tự đô thị, còn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng cần tập trung tuyên truyền, thuyết phục người dân cũng như đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng lòng trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng. Đồng thời, xử lý nghiêm những sai phạm và ngăn chặn kịp thời các hành vi trục lợi chính sách, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác giải phóng mặt bằng.