ĐBP - Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, thời gian qua nhiều địa phương đã khai thác hiệu quả đất đai, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2017 - 2021 toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tổng diện tích hơn 3.029ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây lâu năm (chủ yếu là dứa, bưởi, xoài, nhãn) là 1.551ha, tập trung ở các huyện: Mường Chà, Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ; chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc là 380ha, nhiều nhất tại huyện Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo; diện tích chuyển đổi sang cây trồng khác (chủ yếu là mía, cây dược liệu, khoai sọ...) gần 1.100ha.
Sau khi chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác đã giúp người dân ổn định thu nhập, đời sống được nâng lên. Đối với diện tích được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đã bói quả (300ha), năng suất ước đạt 98,57 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.966 tấn; hiệu quả kinh tế cao hơn 5 - 6 lần so với trồng lúa nương, thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Với những diện tích chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc (chủ yếu cỏ voi) mang lại giá trị sản xuất cao hơn từ 40 - 50 triệu đồng/ha/năm so với trồng lúa nương. Còn diện tích chuyển đổi sang các cây trồng khác, như cây dong riềng, năng suất trung bình 65 tấn/ha, sản lượng ước đạt 25.472 tấn, thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa nương, cây màu hàng năm. Đến nay bước đầu đã hình thành được các vùng trồng cây ăn quả tập trung (xoài, bưởi, cam, chanh leo, dứa). Nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi phương thức sản xuất. Từ đó chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết góp phần tạo công việc ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.
Năm 2022, toàn tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi hơn 2.155ha. Trong đó, dự kiến diện tích chuyển đổi sang cây trồng hàng năm gần 357ha và diện tích chuyển đổi sang cây trồng lâu năm gần 1.800ha. Diện tích chuyển đổi chủ yếu trên đất lúa nương hơn (2.017ha) và đất ruộng 1 vụ, 2 vụ kém hiệu quả (hơn 138ha). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chân đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu thị trường; đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn về giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng tốt... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành vùng sản xuất chuyên canh với quy mô sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất: Liên kết giữa nông dân với nông dân thành vùng sản xuất hàng hóa; liên kết nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thu mua, tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa nông dân với các nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản bằng các hình thức phù hợp, đặc biệt quan tâm phát triển hình thức thương mại, giao dịch trên sàn điện tử.