Đẩy mạnh hợp tác, phát triển nông nghiệp với các tỉnh Bắc Lào

07:21 - Thứ Năm, 08/09/2022 Lượt xem: 5096 In bài viết

ĐBP - Cụ thể hóa đường lối đối ngoại và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam - Lào, những năm qua tỉnh Điện Biên đã tăng cường hợp tác với các tỉnh Bắc Lào (Phoong Sa Ly, U Đôm Xay, Luông Phra Băng, Luông Nậm Thà, Bo Kẹo, Xay Nhạ Bu Ly), trong đó có quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với 3 tỉnh: Phoong Sa Ly, U Đôm Xay, Luông Phra Băng. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Điện Biên đã tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ về mọi mặt, góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào.

Đoàn đại biểu Đảng, chính quyền tỉnh U Đôm Xay (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) thăm trang trại nuôi gia súc, sản xuất cây giống của Doanh nghiệp Tư nhân Huy Toan tại đội C2, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) năm 2016. Ảnh tư liệu

Căn cứ biên bản Hội đàm hai bên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên và Sở Nông lâm nghiệp 3 tỉnh: Phoong Sa Ly, U Đôm Xay, Luông Phra Băng đã thống nhất ký kết hợp tác về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi; chia sẻ thông tin thị trường nông sản và các giải pháp, định hướng, chính sách để phát triển sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm. Trao đổi, chuyển giao một số quy trình, công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi...

Trên cơ sở đó, những năm qua ngành Nông nghiệp Điện Biên thường xuyên phối hợp với Sở Nông lâm nghiệp các tỉnh nước bạn tiến hành khảo sát, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của nước bạn. Đồng thời, triển khai các chương trình hỗ trợ như: Hỗ trợ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu thú y; cung cấp, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi... Đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Điện Biên đã trực tiếp chuyển giao kỹ thuật trồng ngô lai, thâm canh lúa ruộng và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu cho các tỉnh Bắc Lào. Trong chăn nuôi, thú y, hai bên thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh động vật, biện pháp kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật giữa hai nước. Cơ quan thú y hai bên thường xuyên trao đổi về công tác kiểm dịch vận chuyển trâu, bò giữa các tỉnh Bắc Lào và Điện Biên nhằm giảm thiểu nhập lậu và dịch bệnh lây lan qua biên giới hai nước. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn ký kết chương trình bảo vệ rừng biên giới với ngành Nông nghiệp 3 tỉnh Phoong Sa Ly, U Đôm Xay, Luông Phra Băng; tăng cường công tác theo dõi, thông tin cảnh báo cháy rừng; phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Qua đó đã ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, khai thác, buôn bán gỗ, lâm sản, động vật hoang dã khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

Trong giai đoạn 2017 - 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ 3 tỉnh Bắc Lào 5,3 tỷ đồng để triển khai thực hiện các mô hình nông, lâm nghiệp. Điển hình như: Hỗ trợ cho Trung tâm Hạt Thẳm, huyện Mường Mày (tỉnh Phoong Sa Ly) phát triển nhân rộng một số mô hình về chăn nuôi bò theo hình thức nuôi giẽ; mô hình trồng lúa hai vụ/năm; mô hình nuôi cá ao; mô hình chăn nuôi gà, vịt; mô hình trồng ngô, sắn, cây ăn quả; thử nghiệm mô hình trồng rau hữu cơ. Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới đã khảo sát, lập kế hoạch xây dựng mô hình nông thôn mới tại cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày; tập huấn, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới cho cán bộ phụ trách lĩnh vực này của tỉnh Phoong Sa Ly.

Đối với tỉnh U Đôm Xay, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ triển khai các mô hình nông, lâm, thủy sản tại trung tâm Nậm Hin, như: Xây dựng thành công mô hình cây ăn quả các loại trên diện tích 1ha và mua sắm vật tư, phân bón để thực hiện mô hình trồng cây ăn quả. Quy hoạch xây dựng chuồng lợn nái sinh sản với diện tích 900m2; hỗ trợ kinh phí cho 5 cán bộ của tỉnh sang tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về lĩnh vực thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn; mua giống cỏ và trồng trên diện tích 2ha làm thức ăn cho bò...

Với tỉnh Luông Phra Băng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên đã hỗ trợ 1,8 tỷ đồng để triển khai xây dựng hệ thống cung cấp nước tại Trại Đon Khăm, huyện Nậm Bạc; hỗ trợ phòng trừ dịch hại châu chấu tại 2 huyện Phon Thoong và Viêng Khăm; cử cán bộ chuyên môn sang hỗ trợ kỹ thuật, tuyển chọn cây cam có chất lượng để nhân rộng cung cấp giống cho người dân tại huyện Nậm Bạc. Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, như: Mô hình trồng rau hữu cơ tại Trung tâm Siêng Mốc; mô hình chăn nuôi gà, vịt tại Trung tâm Thin Xổm... Tổ chức cho cán bộ tỉnh bạn tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, các mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng 1 nhà lưới (nhà ươm cây ăn quả) tại Trung tâm Thin Xổm và giới thiệu doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam sang tư vấn, thiết kế xây dựng hệ thống cung cấp nước cho Trung tâm Thin Xổm.

Sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với 3 tỉnh Bắc Lào đã mang lại hiệu quả tích cực: Các mục tiêu về chuyển giao khoa học kỹ thuật phát huy hiệu quả, năng lực của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật tại các trung tâm ngày càng được nâng lên, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt. Cán bộ của bạn có thể tự chủ động trong công việc chuyên môn khi được giao nhiệm vụ. Cùng với đó, việc thực hiện thành công một số mô hình tại các trung tâm chuyển giao kỹ thuật nông - lâm nghiệp ở các tỉnh bạn đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân các khu vực lân cận, mạnh dạn đăng ký và tham gia thực hiện các mô hình trung tâm triển khai.

Những kết quả đạt được không chỉ góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào phát triển, nâng cao đời sống người dân mà còn vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào nói riêng, hai nước Việt Nam - Lào nói chung.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top