ĐBP - Sáng nay (8/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030; tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đánh giá kết quả phát triển từ năm 2010 đến nay, ngành Nông nghiệp nước ta đạt được 10 thành tựu chính, gồm: An ninh lương thực tăng trưởng ổn định; cơ cấu sản xuất chuyển đổi tích cực; chất lượng và giá trị nông sản tăng; hạ tầng sản xuất phát triển; phòng chống thiên tai chuyển từ bị động sang chủ động; thương mại nông - lâm - thủy sản phát triển; kinh tế nông thôn phát triển; lao động nông nghiệp chuyển dịch nhanh; cơ sở hạ tầng nông thôn hoàn thiện; thu nhập cư dân nông thôn tăng. Bên cạnh những thành tựu, ngành nông nghiệp cũng còn một số tồn tại, hạn chế: Đào tạo nghề, việc làm còn bất cập; xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn ít…
Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đề ra mục tiêu cụ thể từ 2021 đến năm 2030: GDP tăng trung bình 3%/năm; năng suất lao động tăng 5,5 - 6%/năm. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đề ra mục tiêu chung: phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò, vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính: Cải thiện năng suất lao động để nâng cao thu nhập cho người lao động trong nông nghiệp; giáo dục nông nghiệp, hướng nghiệp nông nghiệp cho thế hệ trẻ; gìn giữ phát huy những giá trị cốt lõi, độc đáo của nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng.