ĐBP- Với mục tiêu đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững; thời gian qua, người dân xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) đã đưa cây cam vào trồng thử nghiệm. Tới nay, nhiều diện tích trồng cam đã cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo thêm sinh kế ổn định và lâu dài cho người dân vùng khó.
Đất đồi, nương bị gia đình ông Sùng Quán Tùng, bản Tàng Do (xã Nậm Tin) bỏ hoang hóa nhiều năm, cỏ mọc um tùm nay đã phủ một màu xanh mướt của cây cam. Với kinh nghiệm hơn một thập kỷ đi làm thuê, trông nom các vườn cam ở huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), ông Tùng đã đem giống cam Vinh, cam sành về trồng thử nghiệm trên diện tích nương cũ của gia đình. Ông Sùng Quán Tùng phấn khởi chia sẻ: “Với ước mong mở ra mô hình phát triển kinh tế mới, tháng 7/2017 tôi đã đưa giống cam Vinh, cam sành từ Hà Giang về trồng thử nghiệm (6ha) thay thế các giống cây trồng năng suất thấp. Để vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài đầu tư kinh phí, công sức, tôi đã tuân thủ quy trình kỹ thuật như không sử dụng các chất cấm, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học... Đến năm thứ 5 (năm 2022) cây cam nhà ông Tùng cho thu hoạch gần 14 tấn, bán ra các thị trường trong huyện, tỉnh, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai); thương lái đến thu mua tại vườn với giá thành cao từ 18 nghìn đồng - 20 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, cây cam mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/vụ. Cũng theo ông Sùng Quán Tùng: “Ưu điểm của giống cam Vinh, cam sành là dễ trồng, khả năng chống chọi sâu bệnh cao, cam mỏng vỏ, mọng nước, năng suất bình quân mỗi cây đạt từ 50 - 60kg quả/vụ”. Hiện gia đình ông Tùng đang tích cực cải tạo đất, mở rộng quy mô trồng thêm 1.000 gốc cam Vinh. Đặc biệt, xã Nậm Tin đã đăng ký, đưa vườn cam trở thành sản phẩm OCOP của xã, khi có thương hiệu, có chất lượng thì sẽ có đầu ra ổn định.
Hiện toàn xã Nậm Tin có 12ha trồng cam. Tuy nhiên, ngoài hộ ông Sùng Quán Tùng cho năng suất cao thì qua đánh giá thực tế cây cam được trồng nhiều trong vườn, nương đồi của các hộ gia đình, nhưng cây sinh trưởng, phát triển không đều và cho năng suất, chất lượng chưa tốt do ít được chăm sóc, biện pháp kỹ thuật hầu như chưa được các hộ áp dụng, đặc biệt là biện pháp bón phân, tỉa cành nên nhiều sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cam. Ông Hờ A Lù, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin chia sẻ: “Để mở rộng diện tích, cấp ủy, chính quyền xã đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc mở rộng diện tích trồng cam. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chăm sóc cây cam theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trang trại trồng cam với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa để tạo thu nhập cao cho người dân; góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Theo thống kê, tổng diện tích cây cam trên địa bàn huyện Nậm Pồ ước khoảng 19,34ha; trong đó khoảng 2.500 gốc cho thu hoạch. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời điểm hiện tại cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, địa hình đồi dốc cao. Ông Tòng Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: Để khuyến khích các hộ mở rộng diện tích trồng cam, năm 2023 huyện Nậm Pồ dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng cam, tăng lên khoảng từ 30 - 50ha. Đồng thời, trên cơ sở mô hình cây cam ở Nậm Tin, huyện Nậm Pồ tiến hành rà soát, khoanh vùng, phân loại hiện trạng cây trồng; đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nước, hệ thống thủy lợi nhằm đưa vào quy hoạch những diện tích đất phù hợp và khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cam.
Cùng với đó, huyện cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành... Đối với diện tích cam hiện đang phát triển tốt, hướng dẫn đầu tư, thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng; hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học nhằm ít ảnh hưởng môi trường, đảm bảo chất lượng cam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng cam trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, liên kết, nắm bắt thông tin thị trường (giá cây giống, phân bón, giá cam thành phẩm, thị trường tiêu thụ...); tăng cường quảng bá sản phẩm cam tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, tìm đầu ra ổn định cho cây cam. Cùng với cây cam, huyện Nậm Pồ cũng chỉ đạo nhân dân thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp; lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển sản xuất, nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.
Có thể thấy rằng, việc phát triển cây cam trên vùng đất Nậm Tin đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi tư duy và nhận thức của người nông dân từ sản xuất theo kinh nghiệm, chuyên canh sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật, thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư vật tư, công sức, kinh phí cho vườn cây để có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển cây cam Vinh, cam sành gắn với phát triển ngành Nông nghiệp hàng hóa đặc trưng để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân.