Mở rộng diện tích trồng lúa nhờ khai hoang, phục hóa

07:16 - Thứ Hai, 12/09/2022 Lượt xem: 3730 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chú trọng khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp giúp cho diện tích đất trồng lúa ở một số huyện vùng cao của tỉnh không ngừng tăng lên. Từ đó, cung cấp một phần không nhỏ lương thực cho bà con, giảm việc phát rừng làm nương; đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường cũng như phát triển rừng trên địa bàn.

Người dân xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) trồng lúa trên diện tích ruộng phục hóa.

Đông nhân khẩu, lại là hộ nghèo nên nhiều thời điểm gia đình ông Mào Văn Hiên, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) cần đến sự hỗ trợ gạo cứu đói của Nhà nước. Điều này khiến ông luôn lo lắng mỗi khi đến mùa giáp hạt. Với trăn trở đó, sau khi được cán bộ địa phương tuyên truyền, hướng dẫn về khai hoang ruộng nước, gia đình ông tập trung nhân lực khai hoang mở rộng diện tích canh tác cây lương thực của gia đình. Năm 2018, gia đình ông đã khai hoang được 20 thửa đất, với tổng diện tích gần 1ha. Với diện tích mới được khai hoang, gia đình ông còn được hỗ trợ hơn 10 triệu đồng tiền khai hoang. Ông Hiên đã đầu tư, chăm sóc diện tích lúa và tiếp tục thuê máy móc, nhân công để mở rộng diện tích khai hoang.

Ông Hiên cho biết, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương và quyết tâm của bản thân, những năm gần đây, gia đình không lo thiếu lương thực mỗi khi giáp hạt. Không những thế, còn dư một phần để bán lấy tiền trang trải cuộc sống.

Tại xã Mường Nhé và một số xã như: Quảng Lâm, Nậm Kè, Mường Toong, Leng Su Sìn, Nậm Vì... những năm gần đây, phong trào khai hoang, phục hóa ruộng nước đã được bà con hưởng ứng nhiệt tình. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện Mường Nhé khai hoang gần 600ha trồng lúa nước. Ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Trong những năm gần đây, năm 2020 xã khai hoang, phục hóa được nhiều hơn cả, với 61 hộ, 649 thửa đất; tổng diện tích hơn 17,5ha. Đến nay toàn xã có hơn 200ha lúa nước (lúa 2 vụ). Diện tích lúa nước trên địa bàn xã ngày một tăng, cộng với việc đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… góp phần đưa năng suất, sản lượng lúa của xã tăng dần hàng năm, cơ bản đảm bảo lương thực cho người dân.

Nậm Pồ cũng là địa phương vùng cao, biên giới, diện tích đất sản xuất ít, đất nương nhanh bạc màu, rửa trôi. Khắc phục tình trạng này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều phương án cải tạo, khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang, tạo thêm diện tích trồng lúa nước, trong đó tập trung tại các xã Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở. Anh Lò Văn Mai, bản Nà Sự 2 (xã Chà Nưa) cho biết: Trước đây, gia đình có 2.000m2 ruộng nước, vừa làm ruộng kết hợp canh tác trên nương nên cũng đủ ăn. Song vài năm gần đây, đất nương bạc màu nên đầu năm 2017 gia đình đã thuê máy xúc cải tạo một phần nương thành ruộng bậc thang. Nhờ vào chính sách hỗ trợ khai hoang nên chi phí tiền thuê máy cũng không lớn. Sau vài vụ sản xuất, đến nay diện tích khai hoang đã cho năng suất, hiệu quả ổn định, giúp gia đình chủ động được nguồn lương thực.

Thống kê của Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ nguồn vốn Chương trình 30a, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ nông dân khai hoang, cải tạo đất được 1.318,1ha với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ khai hoang 1.287,46ha (trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hoang hóa); hỗ trợ cải tạo 30,64ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa. Phần lớn diện tích khai hoang, phục hóa của người dân các địa phương được đưa vào sản xuất đến nay đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần giảm diện tích lúa nương, tăng diện tích lúa nước, tăng năng suất, sản lượng trên cùng 1 đơn vị diện tích, đảm bảo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, từ năm 2020 đến nay, các địa phương cơ bản không có nguồn thực hiện hỗ trợ công tác khai hoang, phục hóa mở rộng đất trồng lúa. Nguồn theo Nghị định 35 chủ yếu để triển khai trình diễn các mô hình lúa; phân tích đất; hỗ trợ máy, công cụ sản xuất và sửa chữa các công trình thủy lợi... Song do hiệu quả từ những hỗ trợ trước đó, người dân đã nhận thức được hiệu quả bền vững từ sản xuất lúa nước. Vì vậy, mặc dù không được hỗ trợ nhưng người dân vẫn chủ động đầu tư, đưa máy móc vào khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa 2 vụ, giúp diện tích lúa 2 vụ những năm gần đây tăng gần 1.500ha.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top