Khó phát triển nghề, làng nghề truyền thống

07:17 - Thứ Tư, 14/09/2022 Lượt xem: 6008 In bài viết

ĐBP - Tỉnh ta có nhiều nghề mang đậm nét văn hóa, truyền thống các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay việc duy trì, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, lao động và đầu ra sản phẩm khiến người làm nghề không gắn bó được với nghề. Do đó nhiều nghề, làng nghề truyền thống hoạt động cầm chừng hoặc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Ông Quàng Văn Thích, bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) sản xuất ghế mây truyền thống dân tộc Thái.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay toàn tỉnh có 44 nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó chủ yếu là hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt thổ cẩm, mây tre đan; sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm nghiệp. Các làng nghề tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Mường Chà (10 nghề); Tủa Chùa (6 nghề); Điện Biên (8 nghề); TP. Điện Biên Phủ (9 nghề)... Hình thức tổ chức sản xuất thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, ngoài số ít được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả, như: Nghề làm khẩu xén (tại bản Bắc, phương Na Lay, TX. Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào (tại bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên); mây tre đan ở xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ)... thì còn lại hầu hết hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, thậm chí dừng hoạt động như: Dệt thổ cẩm bản Him Lam 2, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ); nghề dệt thổ cẩm bản Mường Luân 1, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông); mây tre đan bản Co Đứa, xã Na Sang (huyện Mường Chà). Theo thống kê, thu nhập bình quân người lao động của các cơ sở, hộ gia đình trong những đơn vị nghề, làng nghề chỉ đạt khoảng 1,5 - 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc khó phát triển các nghề, làng nghề là do chủ yếu vẫn làm theo hình thức thủ công, tự phát, quy mô nhỏ; các cơ sở thiếu vốn, chưa được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng; trang thiết bị, công nghệ lạc hậu (chiếm tỷ lệ khoảng 95%). Một số nghề mặc dù đã được cải tiến, áp dụng công nghệ vào các khâu chế biến, sản xuất (bánh khẩu xén, mây tre) tuy nhiên còn hạn chế. Do vậy, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng, chưa đáp ứng với nhu cầu thị trường. Trong khi đó, lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là do truyền nghề nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã hạn chế hoạt động của các làng nghề, không có đầu ra cho sản phẩm khiến các nghề, làng nghề truyền thống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Nghề truyền thống mây tre đan tại bản Nà Tấu 1 (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ) là một trong số ít làng nghề được đánh giá hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế làng nghề này cũng chỉ hoạt động tích cực khoảng 4 tháng/năm. Đầu ra sản phẩm chủ yếu thông qua hình thức bán lẻ cho người dân trên địa bàn sử dụng hoặc bán cho khách du lịch (từ 5 - 10 sản phẩm/lần bán). Do đó, thu nhập của các thành viên thấp, không thể sống được với nghề nên việc phát triển làng nghề gặp nhiều khó khăn.

Ông Lò Văn Cương, Hợp tác xã Mây tre đan truyền thống Nà Tấu cho biết: Hiện nay, làng nghề hoạt động dưới hình thức hợp tác xã với 22 thành viên. Hợp tác xã bàn giao nguyên liệu đầu vào và giao khoán số lượng sản phẩm cho các thành viên. Sau đó, các thành viên tranh thủ thời gian nông nhàn, rảnh rỗi để sản xuất, hoàn thiện các sản phẩm. Do đó, Hợp tác xã chỉ hoạt động tổng thời gian khoảng 4 tháng/năm. Năm 2021, Hợp tác xã sản xuất được 15.745 sản phẩm các loại. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi thành viên chỉ thu nhập 1,012 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là cây song và mây. Những nguyên liệu này phải đặt mua tại các địa phương khác kéo theo chi phí sản xuất cao trong khi giá thành sản phẩm không thể tăng nên lợi nhuận bị giảm sút. Đơn cử như, một chiếc ghế mây có giá bán khoảng 170.000 - 200.000 đồng nhưng chi phí vật liệu đầu vào đã chiếm khoảng 100.000 đồng. Bên cạnh đó, nguồn lao động kế cận ít, hiện nay 100% thành viên hợp tác xã đều đã trên 50 tuổi. 

Ông Quàng Văn Thích, ở bản Nà Tấu 1 cho biết: Chúng tôi vẫn gắn bó, cố gắng duy trì với mục đích không để mai một nghề truyền thống của dân tộc. Nếu nói để sống được với nghề thì không thể. Do đó, các thành viên trong làng nghề chỉ tranh thủ lúc nông nhàn để làm nghề. Thời gian chủ yếu vẫn dành cho việc lao động, sản xuất để trang trải cuộc sống.

Để duy trì, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, thời gian qua, các ngành chức năng và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: Xây dựng các sản phẩm của nghề, làng nghề truyền thống thành sản phẩm OCOP; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; gắn phát triển làng nghề truyền thống với các hoạt động du lịch trên địa bàn... Song kết quả vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, tiềm năng của các nghề, làng nghề trên địa bàn. Hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các địa phương để hướng dẫn các làng nghề truyền thống hoàn thiện thủ tục để công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 10 nghề, làng nghề được công nhận là nghề, làng nghề truyền thống.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top