Xúc tiến đầu tư - những kết quả đáng ghi nhận

07:21 - Thứ Năm, 15/09/2022 Lượt xem: 3907 In bài viết

ĐBP - Phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời gian qua vẫn đạt kết quả tích cực với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 6.194,77 tỷ đồng (tăng 8,8%, xếp 16/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc). Đạt được kết quả đó có đóng góp không nhỏ từ việc thực hiện hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. 

Dự án Chợ và thương mại dịch vụ Mường Thanh sau khi đi vào hoạt động sẽ khắc phục tình trạng lấn chiếm đường giao thông, đất di tích để họp chợ như hiện nay. Trong ảnh: Dự án Chợ và thương mại dịch vụ Mường Thanh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án Chợ và thương mại dịch vụ Mường Thanh (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) do Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng NQT Quảng Ninh làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 193 tỷ đồng đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án trên 184,3 tỷ  đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án là hơn 8,7 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng chợ và khu thương mại dịch vụ đa chức năng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương của cư dân trong khu vực. Đặc biệt là khắc phục tình trạng lấn chiếm đường giao thông, đất di tích để họp chợ như hiện nay. Với quy mô diện tích đất, mặt nước, mặt bằng sử dụng 18.083,64m2, công suất thiết kế tiêu chuẩn Chợ hạng I. Hiện nay, dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Cùng với dự án về hạ tầng kỹ thuật, trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai các dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nhất là các dự án trồng mắc ca tại các huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Mường Ảng, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn một số dự án đang triển khai các thủ tục, dự kiến sẽ trình phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện giai đoạn đầu năm 2023 như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phức hợp; cáp treo Mường Phăng; dự án sân golf; các dự án đô thị... Đến nay, tỉnh ta đã và đang tiến hành công tác lập và điều chỉnh quy hoạch trình phê duyệt trong quý IV/2022.

Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 46 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu đô thị với tổng mức đầu tư đăng ký 15.256 tỷ đồng. Nâng tổng số dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn lên 187 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 38.676 tỷ đồng. Trong đó, 115 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.607 tỷ đồng; 72 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn giải ngân là 5.433,39 tỷ đồng/28.069,33 tỷ đồng (đạt 19%). Kết quả đạt được trên cho thấy công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, chú trọng. Với những bước đột phá như: Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục tăng cao, thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực... Thời gian qua, tỉnh tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư và đã đón tiếp các nhà đầu tư, tập đoàn, công ty lớn đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thỏa thuận hợp tác đầu tư như: Sun Group, Vingroup, Hải Phát, Liên danh Đèo Cả - Văn Phú - Thành Lợi - Phú Mỹ, Onew, Duy Tân, Kosy, NQT Quảng Ninh... đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như: Hạ tầng kỹ thuật, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu đô thị. Đặc biệt đầu tư về lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư về lĩnh vực trồng mắc ca và trồng rừng sản xuất. Từ năm 2018 đến nay đã cấp chủ trương đầu tư cho 13 dự án trồng cây mắc ca với quy mô thực hiện trồng 83.815ha tại các khu vực khó khăn. Từ đó, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì các hình thức xúc tiến đầu tư hiện nay vẫn chưa đa dạng và chưa đạt được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể là số dự án có hàm lượng công nghệ cao còn ít, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư. Ngoài ra, tỷ trọng đầu tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn còn thấp, tính bền vững, tính liên kết và tính lan tỏa còn hạn chế. Trong khi đó, hiện nay tỉnh chưa có danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư được phê duyệt nên rất khó cho công tác xúc tiến đầu tư; kinh phí cấp cho công tác xúc tiến đầu tư cũng rất hạn chế. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, tỉnh ta chủ trương tập trung xúc tiến đầu tư và ưu tiên lựa chọn các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; công nghiệp chế biến thân thiện với môi trường; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đa dạng hóa trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ các dự án lớn, cụm dự án trọng điểm, có sức lan tỏa để hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư, hệ thống các dự án phụ trợ và làm cầu nối thu hút các nhà đầu tư mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, tiếp tục duy trì các hoạt động tiếp xúc với nhà đầu tư ngay cả sau khi hoàn tất thủ tục và triển khai dự án đầu tư; tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top