Giữ rừng ở Nậm Pồ

06:45 - Chủ Nhật, 18/09/2022 Lượt xem: 4476 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây Nậm Pồ diễn ra tình trạng phá rừng khá phức tạp, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường. Để những cánh rừng có thể hồi sinh, huyện Nậm Pồ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là từ chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã khơi gợi tinh thần đoàn kết, để người dân thêm gắn bó với rừng...

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ kiểm đếm tang vật vi phạm. Ảnh: Lan Phương

Hiện nay, Nậm Pồ có tổng diện tích tự nhiên là 149.559ha, đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 120.664,66ha, đất có rừng 63.515,14ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,4%. 6 tháng đầu năm huyện Nậm Pồ đã ghi nhận nhiều vụ phá rừng phức tạp. Cụ thể: Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã tiến hành xác lập hồ sơ 74 vụ phá rừng trái pháp luật gây thiệt hại 36,49ha. Trong đó, thiệt hại rừng khoanh nuôi tái sinh 3,88ha, rừng sản xuất 20,87ha, rừng phòng hộ 11,74ha, chủ yếu tập trung ở các xã: Na Cô Sa, Nà Khoa, Nậm Nhừ, Nà Hỳ, Nậm Chua... Theo ông Nguyễn Đình Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng hiện nay. Trong đó, do địa bàn rộng, việc đi lại khó khăn, nhất là các xã có rừng lớn lại nằm ở vùng biên giới; phong tục tập quán làm nhà bằng gỗ, nhu cầu sử dụng gỗ để làm nhà ở của người dân còn quá lớn; do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều lao động đi làm thuê mất việc làm quay về địa phương, gây áp lực đến tình trạng phá rừng, đốt rừng để lấy đất sản xuất. Đặc biệt, đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất lương thực không bền vững chủ yếu là dựa trên nương...

Xác định thực trạng và những khó khăn, để giải quyết “bài toán” hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, huyện Nậm Pồ đã đề ra những giải pháp căn cơ, nhất là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cộng đồng các dân tộc. Đặc biệt, với vai trò “nòng cốt” trong bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Nậm Pồ đã tham mưu cho huyện ra chỉ thị tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho người dân các xã; tổ chức ký cam kết không khai thác, tàng trữ lâm sản trái phép, không để xảy ra đốt nương, làm cháy rừng (6 tháng qua, Hạt đã triển khai tuyên truyền, học tập, phổ biến pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được 72 buổi với 3.580 lượt người). Cùng với đó, phát huy vai trò 121 tổ dân vận cơ sở phối hợp với lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, huyện đã kiện toàn, củng cố các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Các tổ, đội này có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình đối với các khu vực trọng điểm, các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao và các điểm buôn bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép (từ đầu năm tới nay, các tổ, đội đã tiến hành tuần tra rừng được 268 buổi với 2.112 lượt người tham gia); kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ phá rừng xảy ra; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm lâm luật, tiếp tay cho lâm tặc thực hiện hành vi phá rừng dưới mọi hình thức.

Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát rừng, huyện Nậm Pồ xác định việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những công cụ quản lý rừng hiệu quả, đảm bảo việc duy trì, khôi phục độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, năng lực phòng hộ thông qua thực thi quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, rừng theo quy định của pháp luật với chủ trương thúc đẩy giải pháp đảm bảo tính “có chủ” của từng diện tích đất lâm nghiệp. Thống kê đến ngày 15/8, huyện Nậm Pồ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 108 chủ rừng với diện tích 5.609,91ha (đạt 93% chỉ tiêu UBND tỉnh giao năm 2022). Cùng với đó, với phương châm “Tôn trọng, quan tâm đến cuộc sống cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân...”; việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được huyện Nậm Pồ phối hợp triển khai thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả, kịp thời, đảm bảo đúng các quy định hiện hành. Tiến hành giải quyết những kiến nghị và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR, cập nhật bổ sung thông tin sau giải ngân tiền DVMTR. Hiện nay, tổng diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR là 62.346,927ha; năm 2021 tổng số tiền được chi trả DVMTR là gần 50 tỷ đồng. Thông qua chính sách, đã tạo ra mối liên kết bền vững giữa người sử dụng và người cung ứng DVMTR. Các chủ rừng, người bảo vệ rừng hiểu được giá trị DVMTR, thấy được trách nhiệm và quyền lợi của việc cung ứng dịch vụ giúp cho người dân yên tâm gắn bó với rừng.

Ông Lò Văn Sáng, đại diện chủ rừng cộng đồng bản Nà Hỳ 2 (xã Nà Hỳ) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi thấy rừng ngày một thêm xanh, nhiều chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển vốn rừng của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống. Đặc biệt, nhận thức về chăm sóc, bảo vệ rừng của người dân trong bản đã có sự thay đổi rõ rệt; bà con thường xuyên được cán bộ tuyên truyền về lợi ích của rừng, tác hại của việc chặt phá rừng... Cùng với đó, từ chính sách chi trả DVMTR, người dân có nguồn thu nhập ổn định nên ý thức giữ rừng ngày một nâng lên”.

Với sự quyết liệt và giải pháp đồng bộ từ huyện đến xã, thôn, bản, hi vọng tình trạng chặt phá rừng, vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện Nậm Pồ sẽ được ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu số vụ vi phạm lâm luật. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh truyền thông, “đánh thức” vai trò của nhân trong bảo vệ và phát triển rừng, bởi không ai có kinh nghiệm trồng và bảo vệ rừng bằng họ; khi họ được hưởng những lợi ích mà rừng mang lại thì chính họ sẽ thêm yêu, gắn bó với rừng.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top