Pá Khoang tập trung thực hiện tiêu chí thu nhập

07:20 - Thứ Tư, 21/09/2022 Lượt xem: 4130 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu đạt chuẩn tiêu chí thu nhập và hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2024, những năm qua xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, triển khai nhiều mô hình sản xuất góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đến nay nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng.

Anh Quàng Văn Chuyên, bản Bó, xã Pá Khoang chăm sóc ổi ruột đỏ.

Năm 2020, xã Pá Khoang chia tách ra khỏi huyện Điện Biên để sáp nhập vào TP. Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, đa phần diện tích sản xuất của xã đều trên nương với các loại cây trồng truyền thống như: Lúa nương, ngô, sắn; diện tích lúa 2 vụ ít, chủ yếu là lúa một vụ. Pá Khoang là xã duy nhất của TP. Điện Biên Phủ chưa đạt chuẩn NTM. Do đó, từ năm 2020 đến nay, UBND TP. Điện Biên Phủ đã tập trung nguồn lực hỗ trợ xã Pá Khoang hoàn thành các tiêu chí NTM, đặc biệt là tiêu chí thu nhập. Theo đó, năm 2021 xã Pá Khoang triển khai 3 mô hình phát triển sản xuất về: Ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa vụ mùa và nuôi gà thịt, ngan sao an toàn sinh học.

Ông Quàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Pá Khoang cho biết: Các mô hình phát triển sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thông qua các mô hình, người dân được tập huấn, nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp, từng bước ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Từ hiệu quả mô hình trình diễn, người dân trên địa bàn đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Năm nay, xã Pá Khoang tiếp tục triển khai mô hình liên kết trồng ổi ruột đỏ với diện tích 10ha tại bản Bó và bản Sáng.

Trước đây, phần lớn diện tích nương, vườn của gia đình anh Quàng Văn Chuyên, bản Bó đều được sử dụng để trồng ngô và lúa nương. Sau nhiều năm canh tác, phần lớn diện tích đã bạc màu nên năng suất, sản lượng cây trồng ngày càng thấp, chất lượng kém dần. Đầu năm 2022, được cán bộ Hội Nông dân xã Pá Khoang tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây kém hiệu quả sang các giống cây có hiệu quả kinh tế cao, anh Chuyên đã chuyển đổi gần 1ha đất nương sang trồng ổi ruột đỏ theo mô hình liên kết sản xuất của xã.

Anh Quàng Văn Chuyên cho biết: Trên diện tích này, tôi đã chuyển đổi nhiều giống cây, từ ngô, lúa nương, sắn và gần đây nhất là trồng đào Pháp nhưng đều không hiệu quả. Nguyên nhân là do trồng tự phát, không nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên các loại cây trồng cứ lụi dần, hiệu quả kinh tế không cao. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia mô hình liên kết sản xuất do UBND xã Pá Khoang triển khai. Tham gia mô hình tôi được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn kiến thức và có cán bộ nông nghiệp thành phố hướng dẫn kỹ thuật trồng cây. Đến nay, vườn ổi sinh trưởng và phát triển rất tốt. Theo dự kiến, sau 3 năm kiến thiết vườn ổi sẽ cho thu hoạch và toàn bộ sản phẩm sẽ được đơn vị liên kết bao tiêu.

Ông Lường Văn Khụt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pá Khoang cho biết: Từ nay đến năm 2024, dự kiến xã Pá Khoang sẽ tiếp tục triển khai một số mô hình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập của người dân, qua đó từng bước hoàn thành tiêu chí NTM về thu nhập của xã. Để người dân đồng thuận, hưởng ứng tham gia các mô hình, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động. Hội tiến hành khảo sát, rà soát và lựa chọn địa điểm triển khai phù hợp nhất. Sau đó tổ chức hội nghị quán triệt, thông báo đến từng hộ tại các thôn bản. Đến nay 100% mô hình sản xuất đều nhận sự đồng thuận cao của người dân, bà con sẵn sàng đối ứng để cùng Hội Nông dân triển khai hiệu quả các mô hình.

Bên cạnh chú trọng phát triển lĩnh vực thế mạnh về nông nghiệp, xã Pá Khoang cũng quan tâm công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động. Hàng năm, UBND xã kiến nghị UBND TP. Điện Biên Phủ mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Nhờ đó số lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo cũng tăng cao. Hiện nay, xã Pá Khoang có trên 120 lao động được ký hợp đồng lao động tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến cuối năm 2021, toàn xã còn 143 hộ nghèo (chiếm 13,9%); thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/người/năm.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top