Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản

08:30 - Thứ Tư, 21/09/2022 Lượt xem: 2901 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ta, đặc biệt là khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu thông thường diễn ra sôi động, đã và đang góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và đô thị. Để hoạt động khai thác đảm bảo các quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Tây Bắc khai thác, chế biến đá xây dựng tại khu vực xã Na Ư (huyện Điện Biên).

Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã cấp 35 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Các điểm khai thác nằm rải rác khắp địa bàn tỉnh. Khi các điểm mỏ được cấp quyền khai thác, sản xuất, kinh doanh sẽ tạo điều kiện để các địa phương chủ động nguồn vật liệu thông thường trong hoạt động xây dựng, đồng thời giảm suất đầu tư tại các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 27 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

Theo báo cáo từ UBND tỉnh, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này còn một số tồn tại, hạn chế: Khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản chưa đảm bảo các quy định hiện hành; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; gây ô nhiễm môi trường sinh thái; tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Ở một số nơi, việc khai thác cát trái phép là nguyên nhân thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp, làm biến đổi dòng chảy nhiều khúc sông, suối, tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân... Từ năm 2020 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 4 đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường trên địa bàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý trên 10 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản. Điển hình là các vụ việc: Phát hiện, xử lý Công ty TNHH Lâm My tỉnh Điện Biên; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư công nghệ Sơn Thủy khai thác cát làm vật liệu thông thường vượt công suất được phép khai thác; Công ty Cổ phần Thịnh Vượng; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Dũng khai thác cát làm vật liệu thông thường vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép... Căn cứ quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sai phạm 724 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước. Cũng qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã hướng dẫn, yêu cầu: Công ty TNHH Kim Ngân; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư công nghệ Sơn Thủy; Công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Phương Bắc khai thác cát làm vật liệu thông thường được UBND tỉnh cấp giấy phép nhưng đã hết thời hạn khai thác, thực hiện các quy định của pháp luật khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn.

Phân tích thực tế hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế. Đó là: Những năm gần đây, hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu sử dụng vật liệu thông thường cũng tăng cao; hoạt động “cát tặc”, “đá tặc” hoành hành có nguyên nhân do một số cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong phối hợp phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.       

Để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm tính pháp lý như: Chỉ thị số 42-CT/TU ngày 3/2/2018 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Công văn số 2609/UBND-KTN ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh... Gần đây nhất là Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/5/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc các cơ quan thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo về hoạt động khoáng sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để tạơ sự chuyển biến về mặt nhận thức và hành động đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh khoáng sản thì các địa phương cần phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Đồng thời vận động, khuyến khích người dân thông tin, phản ánh về tình trạng khai thác cát, đá, sỏi trái phép nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định. Cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát làm vật liệu thông thường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành trình tự, thủ tục quản lý và cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông, suối nhỏ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo hướng đơn giản để giảm suất đầu tư xây dựng công trình, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận

Tin khác

Back To Top