Đôi điều về không gian đô thị TP. Điện Biên Phủ

07:11 - Thứ Năm, 22/09/2022 Lượt xem: 3491 In bài viết

ĐBP - Thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm hành chính, chính trị, giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Còn trong chiến lược phát triển của tỉnh, TP. Điện Biên Phủ được xác định là trung tâm kinh tế động lực. Bởi vậy những năm gần đây, TP. Điện Biên Phủ đang từng bước nâng cấp để đạt được tiêu chí đô thị loại II với hướng quản lý và phát triển đô thị “xanh - thông minh - bền vững”. Tuy nhiên, dù không gian đô thị trong nội thành ngày càng có sự đổi thay rõ rệt nhưng vẫn còn đó những vấn đề cần phải điều chỉnh…

Không gian công cộng tại khu vực công viên Nam Thanh.

Hướng tới xây dựng thành phố xanh, UBND TP. Điện Biên Phủ đã nghiêm túc thực hiện các nội dung quy định của Trung ương và của tỉnh về việc quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Thành phố ưu tiên bố trí 13,85 tỷ đồng ngân sách địa phương cho các dự án chăm sóc cây xanh, cây cảnh. Hiện nay, TP. Điện Biên Phủ có khoảng 20.000 cây xanh, đa dạng về chủng loại. Trong đó số lượng cây hoa ban là 4.226 và diện tích cây hoa anh đào được trồng tập trung là 6,22ha, góp phần tạo cảnh quan đẹp, mang nét đặc trưng của thành phố, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện xây dựng 4 công trình điểm nhấn kiến trúc đô thị, tăng diện tích sử dụng không gian cây xanh, mặt nước, tạo cảnh quan đẹp mang bản sắc văn hóa đặc trưng, như: Nút giao thông Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; đài phun nước hồ Tỉnh ủy; hồ điều hòa Noong Bua; Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m.

Xây dựng một không gian đô thị sạch, TP. Điện Biên Phủ thường xuyên đôn đốc, giám sát Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Theo thống kê, trong năm 2021, trên 19.000 tấn rác thải được thu gom, vận chuyển, xử lý hợp vệ sinh; tiến hành thu gom vớt rác trên mặt sông Nậm Rốm 48 lần; phun nước rửa đường thường xuyên với tổng số 1.859,8km. Cùng với đó, TP. Điện Biên Phủ chỉ đạo UBND các phường, xã, các tổ chức, cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường thu gom rác thải, dọn vệ sinh các khu công cộng, các khu đất trồng, vớt rác trên lòng sông và hồ nước... Tại UBND các xã, phường tiến hành lựa chọn xây dựng tuyến phố điểm về vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp và thực hiện mô hình “Đoạn đường tự quản” “Khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường”. Kết quả, tỷ lệ thu gom rác thải tại các khu dân cư đạt 95%, tỷ lệ rác thải được chôn lấp hợp vệ sinh 100%, số thùng rác đặt ở nơi công cộng đạt 7 thùng/1.000 dân; 100% hộ gia đình cam kết không xả rác ra đường phố, duy trì tổng vệ sinh cuối tuần ở các cơ quan, đơn vị và các tổ dân phố, bản. Trong công tác cấp giấy phép xây dựng, 98% gia đình khi xây dựng nhà ở đã có thiết kế bể xử lý nước thải hợp vệ sinh… Cùng với đó, thành phố luôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở vật chất phục vụ nhân dân. Hiện toàn thành phố, 11/12 xã, phường có nhà văn hóa đạt 91,6%; 117/173 tổ dân phố, bản có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đạt 67,63%. Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Có thể thấy rằng, không gian đô thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ những năm trở lại đây đã có sự đổi thay theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít vấn đề cần điều chỉnh. TP. Điện Biên Phủ có 14 dân tộc chung sống, mỗi dân tộc mang một nét văn hóa đặc trưng riêng, trong đó phải kể đến nét văn hóa của dân tộc Thái, ngành Thái đen. Những nét văn hóa của người Thái đen đã phần nào tô thêm sắc màu văn hóa của tổng hòa các dân tộc trên địa bàn thành phố, đó cũng là một trong những nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch thu hút khách tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu. Thế nhưng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều bản của người Thái đen trên địa bàn thành phố đang mai một dần những nét văn hóa truyền thống ngay từ không gian sống. Bên cạnh những mái nhà sàn nguyên bản, giờ đây lại thấp thoáng những ngôi nhà xây 2 - 3 tầng theo phong cách hiện đại. Rồi việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho bản, nhưng thiết kế chưa phù hợp với bản sắc dân tộc Thái...

Cùng với đó, không gian công cộng đô thị hiện nay cũng đang được quan tâm xây dựng và mở rộng nhưng với nhiều người lại chưa sử dụng đúng mục đích. Dưới góc độ sinh thái nhân văn, không gian công cộng là nơi lý tưởng để con người hòa mình vào thiên nhiên, hít thở khí trời, vận động thể chất, nghỉ ngơi, thư giãn, giải tỏa những căng thẳng của cuộc sống đô thị hiện đại. Những quảng trường, công viên, chợ, đường riêng cho người đi bộ và vỉa hè sôi động… trở thành nơi giao lưu, tiếp xúc của mọi người, đóng vai trò quan trọng trong liên kết xã hội ở đô thị. Như mới đây khu công viên Nam Thanh, bám theo dọc trục đường Cầu A1 - C4 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, thu hút đông đảo người dân không chỉ ở Nam Thanh mà nhiều nơi tới vui chơi, thư giãn. Nhưng gần như ngay lập tức, nơi đây xuất hiện hàng loạt hàng quán, bán các loại nước giải khát, đồ ăn... Điều đáng nói là các hàng quán này mọc ngay trên vỉa hè, lấn chiếm đường đi của người đi bộ. Thậm chí vào buổi tối, có quán còn mở loa kéo, bật nhạc lớn, tổ chức hát karaoke tại chỗ phá vỡ không gian yên tĩnh cần có của một điểm công cộng phục vụ đại chúng. Tương tự như vậy, nhiều khu chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ hiện nay dù chưa hay đã được quy hoạch, xây dựng bài bản nhưng vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi buôn bán. Điều này vừa gây mất an toàn, gây tắc nghẽn giao thông vừa làm xấu đi hình ảnh của một đô thị trẻ đang trên đà phát triển...

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top