Phát triển lúa nước ở Nậm Pồ

07:35 - Thứ Năm, 22/09/2022 Lượt xem: 4324 In bài viết

ĐBP - Cách đây gần 10 năm, khi mới thành lập, huyện Nậm Pồ chỉ có 3/15 xã có diện tích gieo cấy lúa nước 2 vụ. Khi ấy không ít người cho rằng, phát triển sản xuất lúa nước nơi vùng cao, vùng sâu Nậm Pồ là bài toán khó bởi địa hình núi cao, đất dốc, thiếu nguồn nước tưới chủ động, hạ tầng cơ sở phục vụ nông nghiệp còn hạn chế, thời tiết khắc nghiệt… Thế nhưng, qua từng năm, những cánh đồng lúa nước ở Nậm Pồ ngày càng được mở rộng, cùng với đó, năng suất, sản lượng cũng tăng theo.

Nông dân bản Nậm Chua 4, xã Nậm Chua thăm cánh đồng lúa vụ mùa.

Nỗ lực tăng diện tích

Ai đã từng đến Nậm Pồ mới thấu hiểu được giá trị của những mùa gặt nơi đây. Ở Nậm Pồ, dù bà con các dân tộc sinh sống bằng nghề nông là chính, nhưng mảnh đất này không có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác của bà con còn hạn chế. Cũng bởi vậy, thời điểm mới thành lập, toàn huyện Nậm Pồ chỉ có hơn 1.360ha gieo cấy lúa nước, trong đó chỉ có 3/15 xã là Chà Nưa, Chà Tở và Nậm Khăn có diện tích gieo cấy lúa nước 2 vụ với vỏn vẹn 76,9ha.

Khắc phục những khó khăn trên, huyện Nậm Pồ đã tập trung mọi nguồn lực từ các chương trình dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất lúa nước. Chỉ riêng 2 năm 2016 – 2017, huyện đã đầu tư xây mới 4 công trình thủy lợi, gồm: thủy lợi Nà Liềng (xã Nà Hỳ), thủy lợi Nà Khuyết (xã Chà Cang), thủy lợi Nậm Chua 3 (xã Nậm Chua), thủy lợi Pa Tần 2 (xã Pa Tần). Đến nay, Nậm Pồ có tổng số 68 công trình thủy lợi; 116,6km kênh mương được kiên cố hóa; đảm bảo việc phục vụ tưới tiêu cho 141,5ha lúa vụ chiêm xuân và 390,42ha lúa vụ mùa.

Công trình thủy lợi bản Nà Mười, xã Chà Tở được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm, theo thời gian, công trình dần xuống cấp, chỉ đảm bảo năng lực tưới cho khoảng 5ha ruộng của bãi Nà Mười. Để phát huy hiệu quả công trình, năm 2018, huyện Nậm Pồ đã đầu tư kinh phí 278 triệu đồng, nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo nước tưới cho trên 10ha lúa ruộng 2 vụ bản Nà Mười.

Ông Lò Văn Dân, người dân bản Nà Mười chia sẻ: Có công trình thủy lợi, chủ động được nguồn nước tưới, nhân dân trong bản nhà nào cũng cấy 2 vụ, nhờ đó năng suất, sản lượng đều tăng. Công trình đã giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, trong bản không còn tình trạng đốt, phá rừng làm nương như trước kia nữa.

Không chỉ đầu tư các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, triển khai nhiều phương án cải tạo, khai hoang, phục hóa đối với diện tích có thể gieo trồng, Nậm Pồ còn chú trọng đưa vào gieo trồng nhiều giống lúa mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất cao. Chỉ riêng vụ mùa năm 2022, toàn huyện đã triển khai 9 mô hình gieo cấy các giống lúa: ADI 168, ADI 28 tại các xã: Nậm Tin, Vàng Đán, Nà Bủng, Nà Khoa, Chà Cang, Pa Tần, Chà Tở, Nậm Khăn, Nà Hỳ trên tổng diện tích hơn 88,3ha cho 502 hộ dân tham gia. Trước đó, các giống lúa năng suất cao như J02, PQ-5 cũng được đưa vào sản xuất vụ chiêm ở nhiều địa bàn sau khi đã thử nghiệm thành công trong các vụ chiêm xuân 2016 - 2017, 2017 – 2018. Ðặc biệt giống lúa Nghi hương 2308, Bắc thơm số 7 là những giống lúa đã gieo cấy thành công tại cánh đồng Nà Hỳ vụ mùa năm 2018 đạt năng suất 63 tạ/ha.

Chưa hết, để mở rộng diện tích lúa nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, Phòng Nông nghiệp, Khuyến nông, Hội Nông dân… ở Nậm Pồ đã cử cán bộ bám bản, bám dân, tuyên truyền, vận động người dân giảm diện tích lúa nương, đầu tư thâm canh lúa ruộng. Những lớp tập huấn khuyến nông hướng dẫn bà con từ cách cầm cuốc, cầm cày sao cho đúng; be bờ sao cho kín nước; làm đất, cấy lúa sao cho đứng cây mạ, nhanh bén rễ… được mở thường xuyên, nông dân tham gia các lớp tập huấn ngày một nhiều.

So với thời điểm năm 2013, đến nay diện tích gieo cấy lúa vụ mùa ở Nậm Pồ đã tăng lên hơn 1.067ha; năng suất tăng thêm gần 11 tạ/ha; sản lượng từ hơn 5.536 tấn đến nay đã đạt trên 12.430 tấn. Trung bình mỗi xã trên địa bàn huyện hiện có khoảng 160ha lúa nước, trong đó nhiều nhất là xã Si Pa Phìn với hơn 390ha; Nậm Tin là xã có diện tích lúa nước thấp nhất cũng có hơn 37ha. Với lúa 2 vụ, từ 3 xã ban đầu đến nay toàn huyện có 10/15 xã có lúa nước 2 vụ, diện tích cũng tăng lên gần 200ha.

Những con số trên là minh chứng rõ nhất cho nỗ lực phát triển cây lúa nước ở huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ.

Ấm no nhờ lúa nước

Với 16ha gieo cấy lúa vụ chiêm, dù không phải là địa bàn có diện tích gieo cấy lúa 2 vụ lớn của huyện, song Pa Tần lại là xã có năng suất lúa vụ chiêm lớn nhất huyện, đạt 60 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân của cả huyện gần 4 tạ/ha. Theo nhiều nông dân xã Pa Tần, vụ chiêm xuân năm nay không chỉ được mùa theo nghĩa đạt được năng suất cao mà còn thể hiện những nỗ lực của bà con đã được đền đáp xứng đáng.

Không riêng xã Pa Tần, chính nhờ bà con nông dân đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm và hăng hái làm ruộng nước nên diện tích vụ chiêm xuân vừa qua của huyện Nậm Pồ đạt tới 198,4ha, tăng 8ha so với vụ chiêm năm 2021; năng suất đạt 56,1 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 1.111 tấn, tăng 111 tấn so với năm 2021.

Sau thắng lợi của vụ chiêm xuân, nông dân huyện Nậm Pồ nhanh chóng bắt tay vào sản xuất vụ mùa với tâm thế đầy phấn khởi. Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy trên 2.427ha lúa, tăng gần 160ha so với vụ mùa năm 2021.

Trở lại phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ, chúng tôi được bà Phạm Thị Thu Yến, Phó Trưởng phòng, thông tin thêm: Vụ mùa này, huyện Nậm Pồ lựa chọn những giống lúa như: ADI 168, 28; Đài thơm, Bắc thịnh; VNR 20; Hà phát 3; Nghi hương; Nhị ưu 838; tẻ; nếp địa phương… đưa vào sản xuất. Lựa chọn đúng giống, cấy đúng thời điểm, thâm canh đúng kỹ thuật nên hầu hết diện tích lúa mùa của Nậm Pồ đều phát triển tốt. Thời điểm này, lúa trà sớm đang trỗ bông phơi màu; trà chính vụ đang làm đòng; trà muộn kết thúc đẻ nhánh, đứng cái. Dự kiến, năng suất ước đạt 51,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt khoảng 12.438 tấn, tăng khoảng 824 tấn so với vụ mùa năm 2021. 

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm qua, cây lúa nước ở Nậm Pồ đã phát triển cả về diện tích gieo cấy và năng suất, sản lượng. Kết quả đó không chỉ giúp nông dân trong huyện thay đổi nhận thức, giảm cây trồng ngắn ngày trên nương, biết thâm canh, tăng vụ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, mà còn là tiền đề quan trọng cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở vùng đất gian khó này. Để rồi mỗi mùa gặt về trên vùng cao Nậm Pồ lại được ví như “mùa vàng bội thu”, khi mà đâu đâu cũng gặp không khí rộn ràng, hối hả của mùa vụ, màu vàng óng của lúa chín nhuộm khắp các thôn, bản.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top