Hiệu quả đưa giống mới vào sản xuất ở Nậm Pồ

07:06 - Thứ Sáu, 23/09/2022 Lượt xem: 4549 In bài viết

ĐBP - Trước đây, nông dân Nậm Pồ chủ yếu sử dụng giống lúa địa phương, năng suất và sản lượng không cao. Thời gian qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thử nghiệm đưa vào sản xuất những giống mới có năng suất, chất lượng cao… Từ đó góp phần tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ hướng dẫn kỹ thuật cho người dân bản Ta Hăm, xã Pa Tần tham gia mô hình Ứng dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Vụ đông xuân năm 2021, huyện Nậm Pồ triển khai mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao HDT 10 với quy mô 9,46ha trên cánh đồng bản Nà Mười, Nà Pẩu, xã Chà Tở. HDT 10 được đánh giá cao về năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu rét tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể bố trí sản xuất cả 2 vụ lúa trên địa bàn. Kết quả, năng suất lúa bình quân của mô hình đạt 66,9 tạ/ha. Ngoài ra, thông qua mô hình người dân được tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng trong sản xuất; giảm được lượng giống, công chăm sóc, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích. Sau khi mô hình kết thúc, đến nay bà con nông dân đã tích cực sử dụng giống lúa thuần chất lượng cao HDT 10 trong sản xuất.

Từ tháng 5 - 9/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ đã phối hợp với UBND xã Vàng Đán triển khai Mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây ngô vụ hè thu năm 2022. Mô hình triển khai tại 2 bản Huổi Khương, Huổi Dạo với 10 hộ dân tham gia trên diện tích 5,095ha, sử dụng giống ngô lai LVN17. Sau gần 5 tháng triển khai, đến nay cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Với kinh phí đầu tư thực hiện 1ha ngô lai LVN17 khoảng 29 triệu đồng, dự kiến năng suất đạt khoảng 63,7 tạ/ha, tương đương đạt 43 triệu đồng/ha, người nông dân có lãi khoảng 14 triệu đồng/ha.

Ông Tòng Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: Giống ngô lai LVN17 có khả năng chịu hạn tốt, chống chịu sâu bệnh hại khá, bắp đều, hạt dạng hình bán răng ngựa, màu vàng sáng, dễ tách hạt và cho năng suất cao. Trong thời gian triển khai thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã phối hợp với cán bộ nông nghiệp, khuyến nông xã, trưởng bản thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân gieo trồng đúng thời vụ; chăm sóc, bón phân, xới xáo vun gốc, phun thuốc diệt trừ cỏ dại và sâu keo mùa thu theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Đồng thời các hộ dân tham gia mô hình đã được tập huấn kỹ thuật từ khâu làm đất, cách gieo trồng đảm bảo mật độ, khoảng cách, bảo vệ các loài côn trùng có ích (thiên địch) đến cách điều tra sâu, bệnh hại trên đồng ruộng, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách); thời điểm dùng thuốc BVTV và ưu tiên dùng thuốc sinh học để phòng trừ sinh vật gây hại. Đặc biệt các hộ nông dân tham gia mô hình đã nhận thức được việc thường xuyên phải thăm đồng để nắm bắt được tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng và sinh vật gây hại trên đồng ruộng.

Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Thời gian qua, Phòng đã triển khai nhiều mô hình trình diễn đưa các giống lúa mới vào sản xuất tại địa phương như: ST24, ST25, Dự hương, Hana102, G01, G02… Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện triển khai 20 mô hình trình diễn giống lúa mới, thuần, chất lượng cao. Có nhiều giống đã đưa vào thử nghiệm phù hợp với điều kiện sản xuất, phát huy được ưu điểm và mang lại hiệu quả cao song cũng có loại giống không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương như G01, G02. Thông qua các mô hình thử nghiệm đã chọn lọc được những giống lúa thích hợp nhất mang lại hiệu quả cao nhất với điều kiện của địa phương. Triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình còn góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân dân từ canh tác độc canh, quảng canh sang thâm canh, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của cán bộ cơ sở; người dân trong và ngoài mô hình trao đổi, học tập, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, nhân rộng mô hình trong các vụ tiếp theo.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top