Sắn lòng vàng bén rễ đất Chiềng Sinh

10:24 - Thứ Bảy, 24/09/2022 Lượt xem: 5172 In bài viết

ĐBP - Sắn luộc lên thơm, dẻo, vàng ươm, ruột đậm như chảy mật. Đó là giống sắn lòng vàng được trồng tại xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo. Dù mới trồng thử nghiệm nhưng có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đơn đặt hàng từ các tỉnh liên tục gửi về, chỉ bán buôn chứ không bán lẻ. Bởi vậy chủ vườn Lò Văn Kim phấn khởi, hài hước chia sẻ: “Ngày nào cũng phải đi nhổ sắn, mối mua giục liên tục mà vợ tôi vẫn cười tươi lắm! Giá gấp 5 lần sắn thường, cầm mấy chục triệu trong tay rồi mà”.

Sắn lòng vàng vào mâm cỗ đãi khách của người dân bản Ly Xôm, xã Chiềng Sinh.

Mang cây mới lên đất “cũ”

Sắn lòng vàng là mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo được Đảng ủy, UBND xã Chiềng Sinh triển khai tại địa bàn từ cuối tháng 2/2022 trên diện tích nương kém hiệu quả. Năm đầu thử nghiệm 1.000 gốc với diện tích 1ha, tập trung chủ yếu tại nương của gia đình anh Quàng Văn Kim, Trưởng bản Ly Xôm. Anh Kim cho biết: “Diện tích nương này trước từng trồng nhiều loại cây như ngô, lạc, sắn trắng... nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khi xã trao đổi triển khai trồng thử nghiệm sắn lòng vàng, tôi đã đồng ý ngay, không băn khoăn gì. Dù loại sắn này chưa từng xuất hiện tại địa bàn, gia đình tôi cũng đã có lần mất trắng công sức, tiền đầu tư vì các giống cây không chất lượng, không phù hợp, nhưng vẫn hy vọng tìm được loại cây trồng mới, năng suất, chất lượng để thay thế”.

Việc trồng, chăm sóc cây sắn lòng vàng tương tự như giống sắn trắng đã quen thuộc tại địa bàn; vì vậy, gia đình anh Kim không gặp khó khăn gì. Sau hơn 6 tháng bén rễ, vươn cao, sắn lòng vàng đã đến thời điểm cho thu hoạch. Sắn đã được kiểm chứng chất lượng bởi nhiều khách hàng, ông Trần Hiến Giang, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh chia sẻ: “Sắn lòng vàng trồng tại Chiềng Sinh được thị trường đón nhận và đánh giá tốt. Khi luộc lên rất thơm, dẻo, đậm vị, có màu vàng đẹp mắt. Loại sắn này còn tốt cho sức khỏe, không sợ bị nóng, không lo “say sắn” nếu ăn khi đói... Với hình thức, chất lượng ấy, sắn lòng vàng được bán với giá tương xứng, mang lại lợi ích kinh tế cao”.

Trên khu vực đất này, 1ha sắn lòng vàng dự kiến cho thu khoảng 5 tấn củ, sản lượng thấp hơn không nhiều so với sắn trắng nhưng giá lại gấp hơn 5 lần. Sắn lòng vàng hiện có giá bán sỉ 10.000 đồng/kg. Giá sắn trắng dao động 1.500 - 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, anh Kim mừng rỡ chia sẻ: “Sau bao lần thất bại, trồng đủ loại cây thì nay gia đình tôi mới được một mùa thu hoạch tốt đến vậy”.

Đảm bảo đầu ra cho củ sắn

Một điều đặc biệt của mô hình sắn lòng vàng này là không sử dụng kinh phí Nhà nước. Mô hình do xã chủ trương triển khai, cán bộ xã (thủ quỹ Nguyễn Khang Dũng) đứng ra huy động vốn, hỗ trợ và theo sát trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch. Khi chủ trương thực hiện, xã Chiềng Sinh cùng đồng chí cán bộ phụ trách mô hình đã cam kết với chủ hộ bao tiêu sản phẩm. Bởi vậy, ngay khi sắn lòng vàng cho củ, đánh giá được chất lượng củ, anh Nguyễn Khang Dũng cùng các cán bộ xã Chiềng Sinh đã tích cực quảng bá sắn trên các trang mạng xã hội, tập trung vào các hội, nhóm về nông sản và tiêu thụ nông sản. Thông qua đó, sắn được gửi đi nhiều tỉnh xa để khách hàng tiềm năng thẩm định. Đích thân anh Dũng cũng mang sắn xuống Hà Nội giới thiệu. Ngoài ra tại trụ sở xã cũng có điểm giới thiệu sắn lòng vàng để bà con, du khách đi qua biết đến.

Sau hơn 6 tháng bén rẽ đất Chiềng Sinh, sắn lòng vàng đã cho thu hoạch với sản lượng ước khoảng 5 tấn/ha.

Từ những nỗ lực ấy, vào chính vụ thu hoạch (tháng 9), gia đình anh Quàng Văn Kim bận rộn cả ngày, sáng nhổ sắn, cắt, rửa, chiều đóng bao, gửi hàng đi khắp các tỉnh. Sau khi dẫn chúng tôi lên nương sắn, anh Kim vội vàng trở về chở 2 tạ sắn ra quốc lộ 6, chờ xe khách tuyến Điện Biên - Hải Phòng đi qua để gửi hàng cho khách. 3 tuần qua, tối nào cũng vậy, bên đường lớn đoạn rẽ vào bản Ly Xôm, người đàn ông dân tộc Thái đứng chờ xe bên cạnh những bao sắn chắc, nặng. Anh Kim bảo: “Ngày nào cũng bận làm sắn chuyển đi, nào là Hà Nội, Hải Phòng, TP. Điện Biên Phủ... Mỗi chuyến vài tạ. Có mối đặt cả tấn nhưng không thu hoạch kịp nên phải từ chối. Họ thường liên hệ, đặt hàng qua anh Dũng, vì anh ấy quảng bá nhiều trên các trang mạng xã hội. Gia đình tôi chuẩn bị hàng, đợi xe đến là sắn được đưa đi khắp nơi. Hơn 3 tấn sắn đã được thu hoạch và bán như thế, chỉ bán lẻ một ít đầu vụ để giới thiệu cho bà con trong xã, huyện biết đến sắn lòng vàng thôi”.

Anh Nguyễn Khang Dũng, người kết nối tiêu thụ sắn lòng vàng cho biết thêm: “Các mối thường lấy hàng tạ sắn mỗi lần và lấy thường xuyên đến hết vụ. Họ là tiểu thương, siêu thị, nhà hàng, khách sạn... Nhiều khách còn chuyển trước tiền để đặt sắn. Sắn lòng vàng rất được yêu thích, sử dụng ăn hàng ngày, phục vụ tiệc trà, đãi khách... Một năm trồng 2 vụ. Vì thế có tiềm năng tiêu thụ lâu dài, thị trường rộng. Xã phân công tôi hỗ trợ người dân thử nghiệm vụ đầu, tôi đã kết nối hộ trồng sắn với các mối mua hàng để những vụ sau gia đình chủ động trong khâu tiêu thụ”.

Mới trồng thử nghiệm, sắn lòng vàng đã phát huy hiệu quả trên đất Chiềng Sinh. Năng suất, chất lượng được khẳng định. Mô hình này cũng là minh chứng cho sự chủ động, đổi mới, tích cực nghiên cứu, học hỏi của cán bộ, công chức xã Chiềng Sinh và người dân trên địa bàn để tìm hướng đi xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Trần Hiến Giang cẩn trọng cho biết: “Vụ tới, xã vẫn chủ trương tiếp tục phát triển sắn lòng vàng giúp bà con phát triển kinh tế, nhưng vẫn cần thẩm định thêm và có định hướng rõ ràng, chưa nhân rộng diện tích ồ ạt, để tránh việc ùn ứ, không có đầu ra”.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top