Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

09:21 - Thứ Sáu, 30/09/2022 Lượt xem: 3784 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, huyện Điện Biên đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn đầu tư, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, góp phần tạo sinh kế nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, đảm bảo chất lượng cuộc sống nhân dân.

Ông Nguyễn Thế Mạnh thôn 10, xã Sam Mứn phát triển vườn cây ăn quả với diện tích hơn 1ha.

Để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Điện Biên đã chỉ đạo từ khâu lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của tất cả các xã; thực hiện công khai và xây dựng quy chế quản lý theo quy định. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, tiến hành kiến thiết chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn, tích tụ ruộng đất để sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển một số loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê…) theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung, gắn kết chặt chẽ sản xuất với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế toàn diện.

Đến nay, diện tích cây lương thực có hạt huyện Điện Biên đạt 14.451,64ha, sản lượng ước đạt 74.741 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm tăng 64.570 con, nâng tổng đàn vật nuôi toàn huyện lên 1.872.904 con; diện tích thủy sản nuôi 622,42ha, sản lượng 963.6 tấn. Huyện tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các nội dung, chính sách hỗ trợ phát triển cây mắc ca; rà soát, bổ sung vùng trồng cây mắc ca tập trung vào quy hoạch NTM của các xã. Đến hết tháng 8/2022, toàn huyện đo đạc, quy chủ 4.709,26ha...

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” huyện Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, hỗ trợ về khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất; tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, đăng ký bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn hàng hóa (hiện nay, huyện có 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh). Cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Điện Biên đã triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; từ đó góp phần đưa “bức tranh” tam nông ngày càng phát triển. Đến hết tháng 9/2022 toàn huyện có 16/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (12 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã cơ bản đạt chuẩn NTM); không còn xã dưới 10 tiêu chí. Huyện có 35 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 12 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, năm 2025 huyện Điện Biên phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông lâm nghiệp đạt 4%/năm, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp an toàn đạt 100%; trên 50 hợp tác xã và 30 tổ hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Diện tích cây ăn quả đạt 1.330ha; phát triển đàn trâu, bò, dê với tốc độ tăng trưởng bình quân 3 - 5%; tốc độ tăng trưởng trang trại chăn nuôi bình quân đạt 6,5%/năm...

Để đạt được mục tiêu đó, theo ông ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên: Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, định hướng phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP của huyện, của tỉnh. Trong đó, lựa chọn 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để đầu tư phát triển, gồm: Lúa gạo, cây ăn quả, gia súc ăn cỏ, cây mắc ca, sa nhân... Cùng với đó, huyện tập trung mọi nguồn lực từ chính sách của Nhà nước, nguồn lực từ người dân, các tổ chức để khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật. Phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng xây dựng cánh đồng lớn - liên kết sản xuất quy mô tập trung, ứng dụng khoa học kỹ trong trồng và chăm sóc; thúc đẩy thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cải tiến hệ thống sản xuất chăn nuôi trên địa bàn; chuyển từ phương thức chăn nuôi truyền thống, phân tán, quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, tổ hợp tác và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường. Xác định đối tượng chủ lực để cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là trồng và chế biến mắc ca, trồng rừng kinh tế, cây dược liệu dưới tán rừng...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top