Lấp khoảng trống pháp lý để tránh thất thu thuế thương mại điện tử

15:53 - Thứ Hai, 03/10/2022 Lượt xem: 2844 In bài viết

Sau một thời gian nỗ lực “trám” thất thu thuế thương mại điện tử (TMĐT), đã có những kết quả ban đầu được ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần sửa đổi, bắt đầu từ chính việc hoàn thiện hành lang pháp lý.

Chia sẻ về những kết quả ban đầu sau khi triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, một số nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với số tiền hàng chục triệu USD, EUR, tương đương hàng trăm tỷ đồng.

Nhà cung cấp nước ngoài đã nộp khoảng 500 tỷ đồng tiền thuế qua Cổng thông tin điện tử.Ảnh minh họa: CTV

“Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các NCCNN thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số”, ông Minh cho biết. Theo đó, sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 36 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng, trong đó có 6 NCCNN lớn: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple, chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam, với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR, tương đương hàng trăm tỷ VNĐ. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ VND…

Ông Đặng Ngọc Minh khẳng định, 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế dành cho NCCNN, cho thấy sự phối hợp, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các NCCNN. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, tổng số các NCCNN đã nộp thuế từ đầu năm đến nay xấp xỉ 1 nghìn tỷ đồng, qua Cổng thông tin điện tử ước tính khoảng 500 tỷ đồng. “Điều này cũng cho thấy, chính sách thuế, quản lý thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Dù đã đạt những kết quả khả quan, song các chuyên gia cho rằng, lỗ hổng thất thu thuế TMĐT vẫn còn quá lớn. Chỉ tính riêng Facebook, Google hiện nộp 3.867 tỷ đồng, chiếm hơn 75% tổng số thuế các tổ chức tại Việt Nam nộp thay nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, mỗi năm ngành Thuế vẫn thất thu 85% số thuế phải thu từ hai "ông lớn" này. Theo phản ánh của một số Cục thuế, một số doanh nghiệp có trang web, tài khoản mạng xã hội riêng nhưng chỉ để giới thiệu các thông tin về doanh nghiệp. Việc xác định doanh nghiệp có thông qua trang web, mạng xã hội để thực hiện kinh doanh TMĐT hay không vẫn dựa trên phản hồi của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tìm kiếm dữ liệu liên quan đến hoạt động của các công ty thông qua việc truy cập vào website TMĐT của các công ty còn gặp nhiều khó khăn do có website chứa nội dung thông tin tiếng nước ngoài... Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin từ các doanh nghiệp rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp cố tình trì hoãn hoặc không phối hợp trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến các khách hàng (viện dẫn nhiều lý do như bảo mật thông tin khách hàng, không thuộc trường hợp phải cung cấp thông tin...), hoặc cung cấp thông tin nhưng không đủ các nội dung cần thiết để thực hiện việc xác minh, đối chiếu về doanh thu cũng như địa chỉ của người nộp thuế...

Tại báo cáo gửi Bộ Tài chính mới đây, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách và công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới còn tồn tại những bất cập, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, khoảng trống pháp lý chưa được sửa đổi, bổ sung, làm xói mòn cơ sở thuế và khó xác định căn cứ tính thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới. Vì thế, theo bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam, ngành Thuế cần tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để nhanh chóng sửa đổi các quy định của pháp luật thuế nội địa. Ngoài ra, ngành Thuế cần cải thiện hơn cơ chế, thủ tục và có những hướng dẫn rõ ràng, linh hoạt hơn, nhằm nâng cao hiệu quả của cơ chế kê khai thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN theo hướng đơn giản, thuận tiện và tin cậy nhất cho người nộp thuế.

Góp ý cụ thể về hành lang pháp lý, PGS. TS. Phạm Ngọc Dũng, Học viện Tài chính cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có việc bổ sung các quy định về trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính, quảng cáo... gắn với trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp dịch vụ qua các nền tảng xuyên biên giới. Cùng với đó, cần nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới bảo đảm tính minh bạch về nội dung và khả năng có thể giám sát được về mặt kỹ thuật… Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, ngành Thuế cần tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý thuế, trong đó, phải lấy công nghệ thông tin là nòng cốt để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý và các bên liên quan để chia sẻ, kết nối, trao đổi thông tin, thu thập một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác các thông tin về các hoạt động TMĐT cũng như giá trị giao dịch, các thông tin thanh toán. Kịp thời xác định các hành vi vi phạm pháp luật thuế và có biện pháp phối hợp với ngành chức năng để xử lý, nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top