Phát triển hợp tác xã gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương

07:37 - Thứ Sáu, 14/10/2022 Lượt xem: 5109 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng. Đồng thời nhiều HTX đã tạo lập được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong liên kết bao tiêu sản phẩm.

Người dân bản Pu Lau, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) thu hoạch dứa.

Từ chỗ được người dân xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) trồng tự phát, khoảng 5 năm trở lại đây, cây dứa đã được quan tâm phát triển tập trung trên diện tích trồng lúa nương, ngô kém hiệu quả. Và cây dứa được người dân Mường Nhà xác định là cây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Dứa Mường Nhà có đặc điểm quả to hơn các loại dứa bình thường, trung bình từ 1 - 3kg/quả, chính vụ có quả nặng đến 5 hay 6kg; quả nhiều nước, mắt nông, rất ngọt. Đặc biệt 1 gốc dứa sinh trưởng và phát triển liên tục đến 7 năm mới phải trồng lại. Sau khi thu hoạch quả, bà con chỉ việc tỉa nhánh cũ, để mầm mới phát triển. Xã xác định dứa là cây chủ lực và định hướng xây dựng dứa Pu Lau thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương. Để làm được điều đó, UBND xã đã chỉ đạo bà con chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng quả dứa. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cho đầu ra, trong năm 2022 chính quyền xã đã tạo điều kiện thành lập HTX Dứa Mường Nhà nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay toàn xã Mường Nhà có 60ha dứa của gần 300 hộ dân ở 6 bản, trong đó vùng trồng dứa tập trung là tại bản Pu Lau với hơn 30ha.

Ông Thào A Giàng, Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà cho biết: Hiện nay chúng tôi đang hướng dẫn bà con trồng dứa theo quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả. HTX nhận tiêu thụ toàn bộ sản lượng cho bà con tại bản Pu Lau. HTX chúng tôi cũng liên kết với các công ty thu mua quả xanh, quả chín và hiện nay không đủ dứa để bán.

Gạo Điện Biên luôn được biết đến với sự thơm ngon khác biệt so với các loại gạo của các địa phương khác. Để xây dựng chuẩn thương hiệu gạo Điện Biên; thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Hiện HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đang tập trung sản xuất ra sản phẩm gạo đặc trưng của địa phương. Sản phẩm gạo với tên gọi “Tâm Sáng” được dán tem truy xuất nguồn gốc đã thu hút hàng trăm hộ nông dân tham gia liên kết. Khi tham gia liên kết, người dân được hỗ trợ 100% giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định. Sau nhiều năm triển khai, nhờ việc chủ động trong khâu quảng bá, tìm thị trường cho sản phẩm hiện nay sản phẩm gạo chất lượng cao: “Gạo tám”, “Gạo Tâm Sáng” của HTX đã được phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

HTX Dứa Mường Nhà hay HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên là hai trong số nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển gắn với sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, đã có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh như: Gạo, dứa, rau củ quả, miến dong, gia súc, gia cầm. Điển hình như: HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX Nông sản sạch Điện Biên, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh với chuỗi giá trị sản phẩm lúa, gạo; rau, củ, quả... Việc phát triển theo chuỗi giá trị với đơn vị chủ trì trong chuỗi liên kết là các hợp tác xã đã khai thác tốt sản phẩm thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các xã viên và người lao động.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top