Góc nhìn - Tiêu điểm

Cần liều thuốc hiệu quả cho “bệnh” chậm giải ngân

08:40 - Thứ Bảy, 15/10/2022 Lượt xem: 3122 In bài viết

ĐBP - Chậm giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề được tỉnh, người dân đặc biệt quan tâm trong những năm qua. Thậm chí việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tưởng như trở thành “căn bệnh mãn tính” chưa có thuốc chữa dứt điểm.

Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong số nhiều giải pháp, tỉnh nhấn mạnh việc thay thế chủ đầu tư, ban quản lý dự án không đủ năng lực, đạo đức công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để dự án chậm tiến độ, phải trả lại nguồn vốn cho Trung ương, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, cắt giảm, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến hết tháng 9/2022, tỷ lệ giải ngân 100% kế hoạch vốn của các dự án hoàn thành và dự án chuyển tiếp, 75% kế hoạch vốn của các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh chỉ đạt 46,38% và thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Có rất nhiều nguyên nhân được các cơ quan, địa phương, chủ đầu tư đưa ra để biện minh cho việc chậm trễ, nhưng chủ yếu lại là lý do khách quan, như: Thời tiết, thủ tục, vốn phân bổ chậm… mà chưa có một đơn vị nào tự nhận trách nhiệm về mình.

Trong khi tỉnh rất “sốt ruột” thì sự chuyển động của các địa phương, chủ đầu tư chưa như kỳ vọng. Điều đáng nói ở đây, dù giải pháp đưa ra là thay thế chủ đầu tư không đủ năng lực; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để dự án chậm tiến độ… thế nhưng trên thực tế từ trước đến nay chưa có bất kỳ cán bộ, địa phương, chủ đầu tư nào bị xử lý vì chậm trễ giải ngân vốn. Bất cập hiện nay là trách nhiệm cá nhân chưa rõ ràng, vốn không giải ngân được nhưng không chỉ rõ được cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc đó. Bên cạnh đó, nhiều người kỳ vọng, việc điều chuyển vốn từ dự án chậm trễ sang các dự án có tiến độ tốt sẽ khiến chủ đầu tư quan tâm hơn, nhưng thực tế hiện nay nhiều dự án chậm nhưng chưa có dự án nào bị điều chuyển vốn.

Thiết nghĩ, việc đưa ra các giải pháp gắn trách nhiệm của các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công là đúng đắn. Nhưng cần quyết liệt. Phải mạnh tay xử lý, điều chuyển công tác những cán bộ, lãnh đạo, đơn vị làm chậm tiến độ giải ngân để nêu gương, bài học kinh nghiệm. Đồng thời dứt khoát điều chuyển vốn ở những dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ tốt. Tránh tình trạng nói nhưng không thực hiện, dẫn đến một số đơn vị “nhờn”. Chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là hết năm 2022, trong khi khối lượng giải ngân vốn của tỉnh là rất lớn, nếu không quyết liệt, không mạnh tay, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh sẽ khó hoàn thành!

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top