Phát triển hợp tác xã gắn với thế mạnh địa phương

09:32 - Thứ Bảy, 15/10/2022 Lượt xem: 3051 In bài viết

ĐBP - Phát triển hợp tác xã (HTX) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa là một trong những hướng đi đã và đang được nhiều HTX trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích cho thành viên.

Niềm vui mùa thu hoạch dứa của nông dân huyện Mường Chà.

Cùng nhau góp vốn thành lập HTX chuyên trồng và kiên kết tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và định hướng phát triển lâu dài là hướng đi mà HTX Gai xanh Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đã xác định ngay từ những ngày đầu thành lập và đi vào hoạt động.

Là một trong những thành viên chủ chốt của HTX, theo anh Trịnh Xuân Phượng khi ý tưởng thành lập một HTX chuyên trồng cây gai xanh AP1 được manh nha hình thành, anh Phượng đã kết nối với một số thanh niên trong huyện tìm kiếm sự hưởng ứng. Mặc dù đây là giống cây trồng khá mới ở địa phương, song từ việc tìm hiểu kỹ về đặc tính, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cũng như thị trường đầu ra cho sản phẩm, thì việc lựa chọn trồng loại cây này là con đường dài mà tất cả các thành viên đã tính toán kỹ lưỡng, để việc thành lập HTX không phải chạy theo “xu thế”, mà có thể tồn tại và phát triển mạnh về lâu dài.

Theo đó, ngoài 12,5ha gai xanh của HTX, đơn vị còn liên kết với một số hộ dân mở rộng diện tích trồng gai xanh lên khoảng gần 20ha tại các xã: Mường Nhé, Nậm Kè, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Vì, Pá Mỳ, Sín Thầu. Quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sẽ được cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Tập đoàn An Phước Viramie hỗ trợ và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra 10 năm với giá cả ổn định.

Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, một số diện tích trồng gai xanh đầu tiên của HTX đã cho thu hoạch vụ đầu. Thành phẩm vỏ gai khô đều được đánh giá đạt loại I và được thu mua với giá 34.000 đồng/kg. Theo tính toán của các thành viên HTX, với đặc điểm là loại cây lưu gốc dễ trồng, mỗi năm cây gai xanh sẽ cho thu hoạch từ 4 - 5 vụ, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng từ 11 - 14 triệu đồng/ha.

Cũng trên cơ sở gắn với thế mạnh của địa phương, năm 2017, HTX Dứa Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà được thành lập với mục đích chuyên trồng và thu mua dứa của bà con trên địa bàn để cung cấp cho các công ty, thương nhân. Để nâng cao giá trị cây dứa và thương hiệu dứa Mường Chà, HTX đã liên kết với 54 hộ dân cùng tham gia mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn với quy mô 61ha; đồng thời làm đầu mối liên kết với nhiều đơn vị để bao tiêu sản phẩm dứa.  

Những diện tích trồng gai xanh của HTX Gai xanh Mường Nhé đã cho thu hoạch vụ đầu.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX dứa Na Sang cho biết: Thế mạnh của HTX là vùng nguyên liệu có sẵn. Thời điểm HTX thành lập, huyện Mường chà đã có hơn 130ha dứa tập trung tại các xã: Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông và dứa cũng là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu chính cho nhiều hộ dân. Bởi vậy, hướng phát triển của HTX chính là  gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.  Thành công nhất của việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi là sản phẩm dứa của HTX đã được cấp chứng nhận nông sản an toàn. Năm 2021, cùng với 9 sản phẩm khác, dứa quả Na Sang tiếp tục được đánh giá và xếp hạng 3 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, sản phẩm dứa Mường Chà ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn.

Tận dụng được thế mạnh về nguồn nguyên liệu, đến nay HTX dứa Na Sang có trên 230ha diện tích trồng dứa. Không chỉ bán cho thương lái của các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và TP. Hà Nội, sản phẩm dứa của HTX cũng tìm được đầu ra ổn định bằng việc ký được hợp đồng tiêu thụ: từ 2.000 - 2.500 tấn dứa/năm với Công ty TNHH Nông sản xuất khẩu Tấn Phát tại tỉnh Nam Định đến năm 2024; từ 2.000 - 3.000 tấn dứa/năm với Công ty CP Thực phẩm Á Châu, tại Tam Điệp, Ninh Bình trong vòng 7 năm (từ năm 2020 - 2027). Hiện nay, HTX đang xây dựng nhà máy sơ chế dứa tại xã Na Sang, với công suất chế biến từ 8 – 10 tấn dứa/ngày. Dự kiến đến tháng 6/2023 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Có thể nói, sự vào cuộc của HTX đã góp phần giúp người dân đi vào sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước giảm chi phí và ổn định đầu ra, đưa cây dứa thực sự là cây giảm nghèo bền vững và hiệu quả tại Mường Chà.

Thực tế cho thấy, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh đều có một thế mạnh riêng biệt, một đặc trưng về các sản vật, một điều kiện khí hậu không giống bất kỳ địa phương nào. Chính vì vậy, Luật Hợp tác xã năm 2012 là nền tảng để các địa phương dựa theo đó xây dựng chiến lược phát triển hợp tác xã phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết và đặc trưng cây trồng, vật nuôi cho chính mình.

Điều này đã được minh chứng khi thời gian qua, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là HTX nông, lâm, thủy sản phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh đã phát huy được vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm đầu mối trong chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình là Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; Mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dứa của HTX dứa Na Sang; Mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm miến dong, hạt mắc ca của HTX Hồng Phước… Trong tổng số 204 HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu bình quân của 1 HTX ước đạt 863 triệu đồng, lợi nhuận bình quân của 1 HTX ước đạt 84 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phí Văn Dương, 9 tháng đầu năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 30 hồ sơ thành lập HTX, trong đó 26 HTX đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX. Để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các HTX; thường xuyên phân công cán bộ xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động và tư vấn thành lập HTX, tổ hợp tác mới. Trong đó chú trọng ở địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới, vùng dự án trồng mắc ca. Trước mắt, là đề nghị Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng 2 mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện Mường Nhé. Đồng thời, phối hợp giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top