Nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP

07:31 - Thứ Hai, 17/10/2022 Lượt xem: 4244 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, thời gian qua tỉnh đã tập trung các giải pháp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về nội dung chương trình OCOP, chu trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho đội ngũ cán bộ các cấp, người dân. Cùng với đó, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, cơ sở sản xuất chi tiết bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng hồ sơ tham gia chương trình OCOP, phương pháp xây dựng phương án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh. Trong thực hiện chu trình OCOP, đảm bảo 6 bước gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ tỉnh Điện Biên năm 2021.

Để đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm phải trải qua các bước đánh giá bài bản, toàn diện từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm do nhiều cấp đánh giá, với hội đồng đánh giá gồm nhiều ngành là thành viên. Hội đồng thẩm định đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP các cấp, các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị liên quan đã bám sát Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 để triển khai các phần việc hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chất lượng, quy chuẩn OCOP, quản lý sau cấp chứng nhận. Các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên phải chấp hành các quy định về đảm bảo chất lượng sản phẩm, như: Xây dựng và công bố quy trình sản xuất; quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất; kiểm soát quá trình sản xuất; thực hiện truy xuất nguồn gốc; tem sản phẩm đạt chuẩn. Sau đạt chuẩn sản phẩm OCOP, các cơ sở, doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm, phải có hệ thống kho bảo quản sản phẩm, hàng hóa, bảo quản nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm thường xuyên.

Đến nay, toàn tỉnh có 44 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao). Nhìn chung các chủ thể đã chấp hành đầy đủ quy định của nhà nước về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm; sổ sách ghi chép sản xuất, kinh doanh... Trong đó có nhiều sản phẩm đã tạo được liên kết, phát triển bền vững như: Chè Tủa Chùa (Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên), gạo (Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên), mật ong (Hợp tác xã Ong mật Điện Biên)... Thông qua các dự án liên kết, các chủ thể đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống, vật tư và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hình thức liên kết này có giá trị cộng đồng cao, bền vững cho sản phẩm OCOP và các bên tham gia liên kết cùng có lợi.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chu trình OCOP thường niên còn nhiều bất cập. Đa số các địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo đúng 6 bước trong chu trình và bị động trong tổ chức thực hiện. Cấp huyện đã bỏ qua vai trò của cấp xã trong các bước của chu trình như: Chuyên viên OCOP cấp huyện làm việc trực tiếp với các chủ thể, chưa hướng dẫn các chủ thể làm đúng trình tự gửi đơn đăng ký tham gia và xây dựng phương án kinh doanh thông qua cấp xã. Bên cạnh đó đa số chủ thể có quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, một số sản phẩm mang tính thời vụ. Sản phẩm xuất bán ra thị trường mới ở mức bán tươi, sơ chế hoặc chế biến đơn giản chưa có chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Thiếu các máy móc chế biến và nhà kho để bảo quản, dự trữ hoặc có thì cũng ở quy mô nhỏ.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có ít nhất 90 - 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; có 5 - 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc. Để đạt mục tiêu đề ra, các sở, ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và chủ thể theo lĩnh vực phụ trách về: Thu hút đầu tư; phát triển các chủ thể tham gia; xây dựng vùng nguyên liệu và cấp mã vùng trồng; quảng bá, xúc tiến thương mại; thông tin và truyền thông; sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu; quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và an toàn sản xuất... Các địa phương hỗ trợ chủ thể tổ chức sản xuất, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, marketing, quản trị chất lượng sản phẩm, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top