Chú trọng phát triển gia súc theo hướng hàng hóa

07:38 - Thứ Hai, 17/10/2022 Lượt xem: 5529 In bài viết

ĐBP - Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Điện Biên đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân phát triển đàn gia súc theo hướng tập trung, hàng hóa, tăng giá trị kinh tế. Qua đó, góp phần đa dạng hình thức phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Người dân bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn chăn nuôi trâu theo hình thức nuôi nhốt tập trung.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Điện Biên đã có chuyển biến tích cực. Người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên chia sẻ: Xác định chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên ngoài việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về phát triển gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện còn chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn tiến hành khảo sát, quy hoạch thêm các vùng chăn nuôi gia súc tập trung, lựa chọn các loại giống phù hợp với địa phương để mở rộng quy mô đàn. Nhiều xã đã tích cực vận động người dân chuyển dần từ phương thức chăn nuôi gia súc tận dụng, truyền thống sang chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp với quy mô lớn.

Trên cơ sở nguồn vốn từ các chương trình, dự án huyện đã ban hành nhiều chương trình, cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc cho người dân. Đồng thời, phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chú trọng liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành mô hình để tiện chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thử nghiệm mô hình các nhóm sở thích chăn nuôi với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ thành viên. Theo thống kê, đến hết tháng 9/2022 tổng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn huyện Điện Biên tăng thêm 64.570 con, nâng tổng đàn vật nuôi toàn huyện lên 1.872.904 con (tăng 33.907 con trâu; 15.934 con bò...). Đặc biệt, huyện Điện Biên đã vận động người dân tận dụng diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp chuyển đổi sang trồng cỏ voi; khuyến khích người dân chăn nuôi theo hình thức tập trung khép kín, an toàn sinh học, phát triển đàn gia súc đi kèm phát triển nguồn thức ăn tại chỗ.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêm phòng định kỳ nên số lượng đàn gia súc gia đình ông Cà Văn Phương, bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn sinh trưởng và phát triển ổn định với 8 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm các loại. Ông Phương chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi chỉ nuôi trâu, bò làm sức kéo, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, gần đây nhận thấy phát triển chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố chăn nuôi theo hình thức tập trung, hàng hóa, gia tăng giá trị kinh tế. Cùng với đó, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn, tận dụng đất hoang hóa trồng cỏ voi; tiêm phòng định kỳ nên đàn vật nuôi phát triển tốt, xuất bán đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm cho gia đình”.

Phát triển gia súc là chủ trương lớn của huyện Điện Biên nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân... Vì thế, những năm tới huyện tiếp tục rà soát, đánh giá lại tiềm năng, nhu cầu của người dân để tập trung phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học; quan tâm hình thành các chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện nghiên cứu tuyển chọn các nguồn giống gen quý của trâu, bò, dê, lợn bản địa, lựa chọn con giống mới, giống lai tạo, giống có chọn lọc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh,... để tạo ra hiệu quả, giá trị kinh tế và sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, huyện tập trung quy hoạch bãi chăn thả hợp lý; phối hợp kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra cho sản phẩm, thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc...

Huyện Điện Biên phấn đấu đến năm 2025, phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê...) tăng trưởng bình quân 3 - 5%/năm; trọng tâm theo hướng nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng... Các sản phẩm thịt cung cấp ra thị trường phải có truy xuất nguồn gốc, 100% sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi (trâu, bò, dê), 2 trang trại chăn nuôi lợn cao sản theo chuỗi liên kết; tăng tỷ lệ hộ chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo phương thức bán chăn thả và nuôi nhốt đạt khoảng 70%... Từ đó, tạo thêm sinh kế bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top