Mường Nhé tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc

07:59 - Thứ Hai, 17/10/2022 Lượt xem: 4557 In bài viết

ĐBP - Với diện tích đất nông nghiệp lớn (trên 152.000ha); nhiều đồi, rừng, nguồn cỏ tự nhiên lớn, nguồn nhân lực lao động dồi dào, thời gian qua huyện Mường Nhé đã chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bán chăn thả và tập trung. Ngành chăn nuôi của huyện đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, từng bước hướng tới lĩnh vực kinh tế “mũi nhọn”, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện Mường Nhé kiểm tra diện tích trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc tại xã Huổi Lếch.

Để phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé đã phối hợp UBND các xã hướng dẫn người dân khảo sát, quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, lựa chọn các loại gia súc phù hợp với địa phương để mở rộng quy mô đàn. Đặc biệt là khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng cỏ cung cấp thức ăn xanh và dự trữ cỏ khô để có nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, những hộ dân tham gia mô hình đã từ bỏ thói quen thả rông trâu, bò chuyển sang nuôi nhốt. Qua đó giảm ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và phòng chống, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; góp phần hình thành và phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay Mường Nhé đã triển khai trồng 60,22ha cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc (đạt 30% so với mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2025, đạt 150% so với mục tiêu đến hết năm 2021). Trong đó 31,82ha được hỗ trợ từ ngân sách huyện với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng. Từ việc mở rộng diện tích trồng cỏ, người dân đã hạn chế thả rông, phát triển đàn gia súc theo hướng bán chăn thả và tập trung. Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt 27.163 con, tốc độ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 11.767 con trâu (tăng 5,6%), 5.507 con bò (tăng 2,38%), 9.889 con lợn (tăng 9,5%), tập trung nhiều ở các xã: Huổi Lếch, Mường Nhé, Sín Thầu, Leng Su Sìn, Mường Toong...

Bên cạnh đó, huyện Mường Nhé thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn thuộc chương trình khuyến nông của huyện. Từ năm 2021 đến nay, Mường Nhé đã mở được 3 lớp với hơn 100 học viên tham gia, tổng kinh phí thực hiện trên 200 triệu đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ đã phát triển đàn gia súc theo hướng bán chăn thả và tập trung với quy mô từ 20 - 50 con, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ 40 - 60 triệu đồng/năm. Có thu nhập, nhiều hộ tiếp tục tái đầu tư mở rộng đàn, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp nâng cao thu nhập.

Chị Lò Thị Hinh, tổ dân cư số 3, xã Mường Nhé cho biết: Gia đình tôi trước đây thuộc diện nghèo của xã, năm 2020 tôi được vay vốn chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cùng số tiền tiết kiệm để mua 5 con trâu giống về nuôi. Được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xuống tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã không còn thả rông mà chuyển sang hình thức bán chăn thả. Tôi cũng trồng cỏ voi trên diện tích đất trống xung quanh nhà để cung cấp thức ăn cho trâu.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Nhằm từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, ngành chăn nuôi huyện Mường Nhé đã dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đến nay toàn huyện có 290 hộ (nhóm hộ) gia đình tại 11/11 xã đã áp dụng hình thức nuôi nhốt và bán chăn thả 1.642 con gia súc (594 con trâu, 1.048 con bò), đạt 54% so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Nhiều hộ đã thay đổi tư duy làm kinh tế, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tái đầu tư phát triển đàn vật nuôi theo hướng tập trung bền vững. Thời gian tới, huyện Mường Nhé sẽ tiếp tục chọn lọc cải tạo chất lượng đàn trâu, bò cái nền, trâu đực giống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất trống, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn bổ sung cho gia súc. Đến hết năm 2022, Mường Nhé sẽ hoàn thành đưa giống cỏ voi VA06, ngô sinh khối vào trồng mới trên 40ha; nâng cao năng lực chẩn đoán, phát hiện và kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thú y từ huyện đến cơ sở để từng bước đưa chăn nuôi trở thành lĩnh vực kinh tế “mũi nhọn”.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top