Hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19

09:11 - Thứ Sáu, 21/10/2022 Lượt xem: 3316 In bài viết

ĐBP - Như nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát (năm 2020 - 2021), Công ty Cổ phần Kiến trúc và xây dựng D2T Ðiện Biên chuyên sản xuất nội thất gia đình... cũng phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty hoạt động trở lại song quá trình phục hồi sản xuất gặp khó khăn khi giá nguyên, vật liệu tăng, thiếu nhân công và đặc biệt là thiếu công nghệ.

Do đó, Công ty quyết định đầu tư máy móc hiện đại để chủ động công nghệ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhưng năng lực tài chính hạn chế nên bị thiếu vốn. Ðúng thời điểm này, Ðề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ nội thất từ gỗ công nghiệp” được triển khai đã giúp doanh nghiệp có điều kiện đổi mới trang thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Công nhân Công ty Cổ phần Kiến trúc và xây dựng D2T Ðiện Biên vận hành máy CNC thay dao tự động Model FNC9- Z14.

Anh Ðỗ Văn Ðường, quản lý xưởng sản xuất Công ty Cổ phần Kiến trúc và xây dựng D2T Ðiện Biên cho biết: Nhờ chương trình khuyến công mà doanh nghiệp có điều kiện phục hồi tốt sau dịch bệnh. Ðầu năm 2022, công ty đã đầu tư máy CNC thay dao tự động FNC9- Z14 với tổng mức đầu tư 660 triệu đồng. Trong đó công ty được Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) hỗ trợ 300 triệu đồng. Máy CNC có công suất 50m/phút, chất liệu đa dạng như MDF, melamin, gỗ ép, gỗ công nghiệp các loại, họa tiết lập trình chính xác từng chi tiết nhỏ giúp tăng hiệu quả sản xuất gấp 5 lần so với trước. Trước đây, một số chi tiết, mẫu mã sản phẩm xưởng không tự sản xuất được mà phải đặt hàng từ dưới Hà Nội nhưng nay được hỗ trợ máy móc hiện đại nên có thể sản xuất hàng hóa theo mọi yêu cầu của khách hàng. Từ đó, hoạt động kinh doanh của Công ty cũng dần hồi phục và phát triển. Hiện nay công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng quy mô sản xuất.

Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Ðiện Biên hoạt động trong lĩnh vực chế biến quả mắc ca cũng đang trên đà phục hồi sản xuất và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Hiện nay, Công ty đang có diện tích vườn mắc ca 13ha tại bản Nà Nghè, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho thu hoạch với năng suất, sản lượng ổn định. Năm 2019, sản lượng hạt mắc ca tươi đạt hơn 18 tấn, sau khi chế biến mắc ca thành phẩm đưa ra thị trường là 7,5 tấn (giá bán trung bình 250.000 đồng/kg). Năm 2020, sản lượng hạt mắc ca tươi đạt hơn 22,5 tấn. Mắc ca thành phẩm đưa ra thị trường là 9 tấn, đạt doanh thu 2,25 tỷ đồng. Sản lượng quả tăng ổn định qua từng năm là điều kiện để Công ty đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến sản phẩm hạt mắc ca. Cuối năm 2021, Công ty đã đầu tư máy sấy nướng thực phẩm DQTech, Model 3PM2H công suất 600 kg/mẻ (72 giờ/mẻ) với tổng mức đầu tư 338 triệu đồng. Trong đó công ty được hỗ trợ 150 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương.

Ông Phạm Duy Thành, quản lý xưởng chế biến quả mắc ca, Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Ðiện Biên cho biết: Nhờ nguồn hỗ trợ khuyến công, công ty đã mua được máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, tăng hiệu quả, nâng cao giá trị thành phẩm đem lại thu nhập, lợi nhuận cao hơn cho người trồng mắc ca và doanh nghiệp. Máy sấy DQTech giúp chế biến, bảo quản sản phẩm thành phẩm dài hơn, quả tươi thu hoạch đến đâu chế biến hết đến đấy, nhờ đó hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp và người trồng mắc ca.

Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã hỗ trợ 13 đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Trong đó nguồn kinh phí từ Ðề án Khuyến công quốc gia cho 6 đề án (1,6 tỷ đồng) và nguồn kinh phí khuyến công địa phương cho 7 đề án (800 triệu đồng).

 Ông Lò Văn Thiện, Trưởng phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp) cho biết: Ðể triển khai đạt hiệu quả chương trình khuyến công, Sở Công Thương tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm công nghiệp đặc trưng, tiêu biểu, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định, các đề án ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở rà soát, đánh giá các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương lập kế hoạch và tiến hành hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để phát huy tối đa hiệu quả chương trình.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top