Học và làm theo Bác

Nông dân Phạm Văn Dưỡng năng động, sáng tạo

10:19 - Thứ Bảy, 22/10/2022 Lượt xem: 7065 In bài viết

ĐBP - Trong câu chuyện về những nông dân tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của xã, chị Nguyễn Thị Nhâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) kể nhiều về ông Phạm Văn Dưỡng, 56 tuổi, thôn Hoàng Yên.

Ông Phạm Văn Dưỡng, thôn Hoàng Yên, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) cho cá ăn.

Ðến thăm mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình ông Phạm Văn Dưỡng, ấn tượng của chúng tôi ngay từ ban đầu với người nông dân này là tinh thần lạc quan, ham học hỏi và năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình. Tiếp chúng tôi tại căn nhà khang trang sạch đẹp, ông Dưỡng chia sẻ: Từ khi được kết nạp hội viên nông dân, hàng năm được tham dự các hội nghị triển khai, quán triệt các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi nhận thức được việc học tập và làm theo Bác phải bằng những hành động cụ thể. Từ đó, tôi xác định phải quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất trên mảnh đất sản xuất của gia đình bằng sự lao động sáng tạo”.

Năm 1999, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của xã, gia đình ông Dưỡng được vay vốn phát triển kinh tế. Ông đào ao thả cá với diện tích 6.000m2, đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp. Những năm đầu do vốn ít, lại chưa có kinh nghiệm nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Vừa làm vừa tích lũy, ông Dưỡng học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình làm ăn có hiệu quả trong xã và các vùng lân cận, đồng thời nghiên cứu, tham khảo các tài liệu để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt.

Sau 20 năm phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trên diện tích đất sản xuất là 2,4ha, đến nay mỗi năm ao cá của ông Dưỡng thu được sản lượng 25 tấn; xuất ra thị trường 3 tấn lợn, gà, vịt thịt. Trên diện tích vườn rừng ông kết hợp trồng cây lấy gỗ, các loại cây ăn quả như cam, xoài, mít, bưởi... Tổng thu nhập 1 năm của gia đình ông Dưỡng sau khi trừ chi phí khoảng 500 triệu đồng.

Không chỉ là một điển hình trong phát triển kinh tế, ông Dưỡng luôn tiên phong gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động người thân, bà con nông dân thực hành tiết kiệm theo gương Bác, phấn đấu tự mình vươn lên trong đời sống, sản xuất chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông tích cực tham gia các hoạt động của hội nông dân để chia sẻ kinh nghiệm, phương thức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, giáo dục con cái với các hội viên. Ðặc biệt, học tập theo gương Bác, ông Dưỡng phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, chủ động hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cho hội viên nông dân trong thôn, xã; tạo việc làm cho 15 lao động thời vụ/năm; cho 10 hội viên vay vốn mỗi năm.

Ông Dưỡng cho biết: “Học và làm theo Bác tôi luôn lấy tinh thần tự giác làm thước đo trách nhiệm. Bởi nếu tự giác thì ở bất kỳ môi trường nào, hoàn cảnh nào cũng có thể hòa nhập và vươn lên. Học tập và làm theo Bác là việc lâu dài, xuyên suốt, tôi không thỏa mãn với thành tích đạt được mà sẽ tiếp tục cố gắng, không ngừng học hỏi cách làm hay, mô hình sản xuất có hiệu quả nhằm khai thác tiềm năng của địa phương, góp phần xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp!”.

Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top