Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

07:10 - Chủ Nhật, 23/10/2022 Lượt xem: 4798 In bài viết

ĐBP - Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Cán bộ Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên trước đây công tác tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng còn có hạn chế, nhiều người chưa nhận biết đầy đủ được quyền lợi của mình khi đi mua sắm và quyền lợi chính đáng đó được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa quan tâm đến việc lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng. Bởi vậy khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phải làm gì nên chỉ im lặng chấp nhận.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; đồng thời bố trí kinh phí để tổ chức các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các sở, ngành chức năng đã tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn cho người tiêu dùng phương pháp để bảo vệ quyền lợi của mình sau khi bị xâm hại; tiến hành giải quyết một số vụ việc về mua hàng thiếu định lượng và hàng bán cho người tiêu dùng không có tính năng như quảng cáo.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh cũng đã tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó tập trung kiểm tra các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, nhà phân phối, tổ chức, các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, nhất là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao như: Bia, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát; thực phẩm tươi sống; gia súc, gia cầm; thời trang may mặc; các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh... Trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 941 vụ, trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính 364 vụ với tổng số tiền trên 570 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hàng hết hạn sử dụng.

Việc thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hay trang thiết bị để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn hạn chế; chưa có cán bộ chuyên trách trong từng lĩnh vực, mức độ chuyên môn hóa chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ dân trí không đồng đều nhất là địa bàn vùng cao, vùng xa đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyên truyền và nhận thức của người dân; ý thức của một số doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh trong việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế. Do đó trong thời gian tới cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top