Khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân bay

07:40 - Thứ Ba, 25/10/2022 Lượt xem: 2765 In bài viết

Tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 của Bộ Giao thông vận tải chiều 24/10, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Vụ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành chức năng và Văn phòng Chính phủ khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(Ảnh minh họa)

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, tại Vùng thủ đô Hà Nội và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư 6 cảng hàng không mới bên cạnh việc nâng cấp 22 cảng hàng không hiện hữu.

Dự thảo Quy hoạch cũng lên kế hoạch khai thác hiệu quả 28 cảng hàng không, nâng tổng công suất lên khoảng 283 triệu hành khách/năm, bảo đảm hơn 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Trong thời kỳ 2021-2030, có 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

Cũng trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, hồ sơ để mở cho việc nghiên cứu quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch đường cất hạ cánh số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự trong trường hợp đủ điều kiện.

(Ảnh minh họa)

Đối với sân bay thứ hai Vùng Thủ đô, dự thảo quy hoạch chỉ xác định là xây dựng tại đông nam Thủ đô Hà Nội nhưng chưa xác định được vị trí chính xác,…

Về công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tập trung bằng trách nhiệm cao nhất, hoàn thành các thủ tục và điều kiện cần thiết để khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2022.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan phải thông xe kỹ thuật và hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn 2017-2020 (gồm Mai Sơn-quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Cục Hàng hải Việt Nam hoàn thiện, trình Chính phủ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vụ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tiếp thu, giải trình và xin ý kiến Hội đồng thẩm định Quốc gia hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam,...

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp các Cục, Vụ liên quan chuẩn bị kỹ các giải pháp, xử lý dứt điểm vướng mắc tại các dự án BOT để báo cáo Quốc hội trong thời gian tới, những lý lẽ đưa ra phải đủ sức thuyết phục.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung tham mưu lãnh đạo Bộ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; phối hợp Văn phòng Chính phủ tiếp thu, giải trình toàn diện, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top