Diện tích tưới thấp, công ty thủy nông gặp khó

07:55 - Thứ Ba, 25/10/2022 Lượt xem: 6389 In bài viết

ĐBP - Theo thiết kế ban đầu, nhiều công trình thủy lợi có vai trò cung cấp nước tưới cho diện tích khá lớn; thế nhưng thực tế khi đưa vào sử dụng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến diện tích tưới thấp hơn so với thiết kế. Trong khi đó, yêu cầu về mặt nhân lực để quản lý, bảo vệ và vận hành các công trình thủy lợi đã được quy định cụ thể theo quy mô từng công trình. Điều đó dẫn đến hệ lụy nguồn thu không đủ bù đắp chi phí, khiến cho hoạt động của tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng như đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Đó là một bài toán mà Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên đang lay hoay và chưa tìm được lời giải để khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Việc “thu không đủ bù chi” ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị, song Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên vẫn phải đảm bảo đầy đủ nước sản xuất cho người dân trên địa bàn. Trong ảnh: Cán bộ Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên kiểm tra công trình hồ đập do đơn vị quản lý.

Đến thời điểm này, hầu hết các diện tích lúa nước trên địa bàn 2 xã: Noong U và Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) đã cho thu hoạch nên công việc của những người làm công tác thủy nông tại hồ Nậm Ngam, xã Pú Nhi cũng bớt vất vả hơn. Theo thiết kế, hồ Nậm Ngam có nhiệm vụ tưới 550ha/vụ trên địa bàn 2 xã: Noong U và Pú Nhi song thực tế hiện nay mới chỉ có 294ha/vụ. Diện tích tưới ít đồng nghĩa với nguồn thu của đơn vị cũng vì thế mà không đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Tuyền, Cụm trưởng Cụm Thủy nông Nậm Ngam, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) cho biết: Diện tích bãi tưới ít không được 50% theo thiết kế ban đầu nên các khoản cấp bù thủy lợi phí cũng bị hạn chế rất nhiều. Trong khi đó, với diện tích 294ha, người dân cũng chỉ canh tác có 1 vụ nữa mà khối lượng công việc khá lớn, bên cạnh vận hành và bảo vệ hồ chứa, đập, anh em còn phải quản lý hơn 30km kênh mà đường đi lại vất vả khiến cho đời sống anh em công nhân càng thêm khó khăn. Theo đơn giá hàng năm, hồ Nậm Ngam được nhận nguồn thu hơn 370 triệu đồng mà quy định đối với quy mô như hồ Nậm Ngam yêu cầu phải có 15 công nhân để quản lý, vận hành. Tuy nhiên, hiện nay vì điều kiện đơn vị khó khăn về tài chính và việc chi trả các chế độ, chính sách cho anh em còn hạn chế nên ở hồ này phải cắt giảm 2 người và còn lại 13 người…

Tương tự như hồ Nậm Ngam, Trạm bơm Huổi Lực (huyện Tủa Chùa) cũng rơi vào cảnh “thu không đủ chi” song Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên vẫn phải vận hành để bảo đảm an toàn sản xuất cho nhân dân. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Cụm trưởng Cụm Thủy nông Tủa Chùa chia sẻ: Trạm bơm Huổi Lực hiện nay có nhiệm vụ tưới cho 10,6ha cộng với 1,5ha hỗ trợ nhưng chi phí sản xuất lại lớn do phải bơm dẫn nước xa. Để phục vụ sản xuất cho bà con, trạm bơm phải vận hành, hoạt động khoảng 7 tháng/năm. Theo tính toán mỗi giờ vận hành, trạm bơm sử dụng 75kW/h nên chi phí phục vụ cho hoạt động của các máy bơm thấp nhất cũng hơn 10 triệu đồng/tháng vào mùa mưa, còn các tháng khác trong đợt chuẩn bị cho vụ mới chi phí vận hành tốn kém hơn (gần 40 triệu đồng/tháng). Trong khi diện tích tưới lại chỉ có hơn 10ha nên nguồn thu rất thấp. Mặt khác ở đây, công ty vẫn phải phân công 2 công nhân trực vận hành thì các chế độ, lương cho anh em vẫn phải thực hiện đầy đủ. Nguồn thu thì ít nhưng chi lại nhiều nên công ty phải bù lỗ vào Trạm bơm Huổi Lực này gần 400 triệu đồng/năm. Dẫu vậy nhưng trạm bơm vẫn phải hoạt động để tưới tiêu đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sản xuất cho nhân dân trên địa bàn.

Ngoài hồ Nậm Ngam, Trạm bơm Huổi Lực, hiện nay Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên cũng gặp khó do diện tích tưới không đảm bảo yêu cầu theo thiết kế. Theo đó, hồ Nậm Khẩu Hu được thiết kế nhằm cấp nước tưới cho 370ha lúa 2 vụ và 500ha hoa màu, cây công nghiệp trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Ngoài ra, còn cung cấp nước sinh hoạt và kết hợp với cung cấp nguồn nước phát điện cho Thủy điện Nậm Khẩu Hu. Năm 2020, công trình được bàn giao cho Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên quản lý. Thực tế thiết kế là như vậy nhưng hiện hồ chỉ phục vụ tưới tiêu cho hơn 50ha. Và đến tận năm 2022, công ty mới được hưởng nguồn thu 40% của diện tích 50ha, còn lại UBND xã Thanh Minh được hưởng 60%. Còn các nguồn thu như thủy điện và nước sạch sinh hoạt ở hồ này chưa có do còn tồn tại vướng mắc bởi các thông tư, nghị định đã hết hiệu lực, song chưa có các văn bản hướng dẫn mới thay thế. Còn hồ Bản Ban theo thiết kế tưới cho hơn 300ha nhưng thực tế đến nay cũng chỉ tưới cho hơn 90ha mà lại do 2 đơn vị quản lý…

Cán bộ, công nhân Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, quản lý và bảo vệ tốt các công trình thủy lợi.

Theo quy định, Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên nói riêng và các công ty thủy nông thuộc loại hình doanh nghiệp sản xuất không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (doanh nghiệp công ích). Theo đó, ngân sách Nhà nước chi trả kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho các tổ chức, đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên cơ sở nghiệm thu diện tích, khối lượng và biện pháp tưới tiêu. Điều đó đồng nghĩa với việc diện tích tưới không có thì nguồn kinh phí thu về của công ty thủy nông cũng vì thế mà hạn chế, đời sống công nhân càng thêm khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thi, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên cho biết: Với các công ty thủy nông, đặc thù sản phẩm là dịch vụ công ích phục vụ phát triển sản xuất, không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giá cả dịch vụ sản phẩm thủy lợi do Nhà nước quy định. Hiện nay, Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên đang quản lý, vận hành 34 công trình thủy lợi, trong đó có 13 hồ chứa trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa; với diện tích tưới hơn 11.000ha. Thế nhưng, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh có diện tích tưới chỉ đạt 30 - 40% so với diện tích thiết kế nên dẫn đến cảnh “thu không đủ bù chi”, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn kinh phí hoạt động của công ty. Trong khi đó, thời gian qua, các công trình, dự án lớn của tỉnh đã tiến hành thu hồi một phần không nhỏ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Theo tính toán, diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi khoảng 200ha, vậy nên diện tích tưới do công ty phục vụ bị thu hẹp đồng nghĩa với nguồn thu cũng vì thế mà giảm xuống. Mặt khác, kế hoạch, chỉ tiêu mà UBND tỉnh giao vẫn ở mức cao nên công ty càng khó hoàn thành các chỉ tiêu, khiến đời sống công nhân, người lao động càng lâm vào cảnh bế tắc…

Thiết nghĩ, nguồn thu của đơn vị phụ thuộc hết vào diện tích tưới mà diện tích lại chưa đáp ứng đủ theo thiết kế, trong khi nguồn thu từ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi ở mức thấp, khiến công ty thủy nông càng thêm điêu đứng. Trước thực tế đó, mong rằng các cấp, ngành chức năng cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời, sớm khắc phục tình trạng trên, giúp nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân. Điều đó cũng gián tiếp góp phần vào việc đảm bảo tưới tiêu, tác động quan trọng đến sản xuất nông nghiệp và mang lại ý nghĩa lớn trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực địa phương.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top