Tuần Giáo phát triển cây trồng dưới tán rừng

07:51 - Thứ Hai, 31/10/2022 Lượt xem: 4808 In bài viết

ĐBP - Ở Tuần Giáo, thảo quả là loại cây được trồng nhiều nhất trong số các loại cây trồng dưới tán rừng. Đây là loại cây cho thu hoạch quả, chủ yếu để làm gia vị trong chế biến thức ăn, trong công nghê thực phẩm, làm thuốc và nhiều lợi ích khác cho môi trường. Xác định được tác dụng đa mục đích của loại cây này, cộng với những điều kiện về tiềm năng của địa phương nên huyện Tuần Giáo đã nhân rộng diện tích thảo quả trên địa bàn. Trong đó, Tênh Phông là xã đầu tiên thực hiện trồng thử nghiệm cây thảo quả từ những năm 90, với diện tích ban đầu chỉ vài héc ta. Đến nay, toàn xã đã có trên 80ha thảo quả và được trồng nhiều nhất ở bản Xá Tự, Ten Hon và Há Dùa.

Người dân bản Há Dùa, xã Tênh Phông thu hoạch thảo quả.

Rừng thảo quả ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông được bà con trồng hơn 30 năm. Từ đó đến nay bà con vẫn thu hoạch bền vững, chưa phải trồng lại lần nào, công chăm sóc ít. Giá thảo quả ổn định ở mức 130 nghìn đồng/kg. Mỗi héc ta cho thu hoạch 3 tạ quả khô. Với những ưu điểm, lợi thế ở cây trồng này là cơ sở để nhân rộng diện tích ở những nơi có điều kiện phù hợp.

Theo người dân bản Ten Hon, việc trồng và chăm sóc thảo quả rất dễ dàng, không phải đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi năm chỉ một lần phát cỏ, dọn lá khô, tạo thông thoáng để thảo quả đơm hoa, kết trái hiệu quả. Trung bình mỗi héc ta, người trồng thảo quả thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cây thảo quả ở Tênh Phông đã có nhiều hộ thoát nghèo.   

Ngoài thảo quả, sa nhân cũng là loại cây dưới tán rừng đã cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Tuần Giáo. Sa nhân được trồng phổ biến từ năm 2016 đến nay, tập trung ở các xã: Tênh Phông, Tỏa Tình, Ta Ma, Phình Sáng và Rạng Đông với tổng diện tích 180ha; trong đó 65ha đã cho thu hoạch. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, cây sa nhân cho thu nhập bình quân từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm.

Ông Trần Khoa Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: “Đối với cây trồng dưới tán rừng ngoài hiệu quả thu nhập thì người dân cũng có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn. Mục tiêu đến 2025 huyện sẽ phát triển trên 500ha cây lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu như: Sa nhân, thảo quả, sơn tra và một số cây dược liệu khác như các loại sâm... Giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục duy trì diện tích và mở rộng thêm 50ha cây lâm sản ngoài gỗ nữa để tạo vùng nguyên liệu, tạo sản phẩm hàng hóa giúp người dân thêm cơ hội XĐGN”.

Mặc dù cây dược liệu dưới tán rừng ở Tuần Giáo đã cho hiệu quả thiết thực, nhưng mới chỉ dừng lại ở một vài loại cây, chưa đa dạng và chưa có sự liên kết trong sản xuất loại cây trồng có giá trị cao này. Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản chủ yếu vẫn theo kinh nghiệm. Do đó, việc triển khai các dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là điều cần thiết, không chỉ góp phần phục hồi một số nguồn gen cây dược liệu bản địa, mà còn thúc đẩy tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Bài, ảnh: Lường Phượng (Huyện Tuần Giáo)
Bình luận

Tin khác

Back To Top