Các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo sản xuất nông nghiệp

09:41 - Thứ Sáu, 04/11/2022 Lượt xem: 2671 In bài viết

Tổng cục Thủy lợi đề nghị các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc đang trong giai đoạn thu hoạch vụ Mùa cần chủ động tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023.

Đó là một trong những lưu ý của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở dự báo nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trong tháng 11/2022.

Các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc đang trong giai đoạn thu hoạch vụ Mùa cần chủ động tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: M.L)

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 1/2023. Khả năng từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện khoảng 2 hoặc 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung.

Trong tháng 11, dự báo vùng núi phía Bắc có tổng lượng mưa phổ biến từ 40-55mm, vùng Trung du và Đồng bằng phổ biến từ 50-70mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20-40%; riêng khu vực Đồng bằng Bắc Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Khu vực Bắc Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 370-380mm, cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Nam Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 670-680mm, cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Bên cạnh đó, từ nay đến tháng 12/2022, tại khu vực Bắc Bộ, dự báo mực nước trên các sông suối biến đổi chậm và xuống dần. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, riêng lưu vực sông Gâm và sông Chảy cao hơn trung bình nhiều năm. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, trên các sông có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Mực nước lũ các sông ở Hà Tĩnh ở mức báo động 1- báo động 2 và trên báo động 2. Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ở mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. Tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trên các sông có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ lớn. Mực nước đỉnh lũ năm 2022, trên các sông Đà Nẵng đến Bình Thuận ở mức báo động 2- báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Trên cơ sở đó, theo Tổng cục Thủy lợi, khu vực miền núi phía Bắc, dự báo đến cuối tháng 11/2022, dung tích trữ trung bình các hồ chứa dự kiến đạt từ 53-100% dung tích thiết kế. Dung tích trữ các tỉnh dự kiến: Điện Biên 86%, Sơn La 80%, Cao Bằng 53%, Yên Bái 99%, Tuyên Quang 100%, Lạng Sơn 84%, Hòa Bình 99%, Thái Nguyên 98%.  Do vậy, Tổng cục Thủy lợi đề nghị, các tỉnh trong khu vực đang trong giai đoạn thu hoạch vụ Mùa cần chủ động tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, lượng mưa tháng 11/2022 trung bình toàn vùng khoảng 342mm. Trong đó từ Thanh Hóa đến Nghệ An lượng mưa phổ biến 13-210mm; từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 114-1.121mm. Dự báo đến cuối tháng 11/2022, dung tích trữ các hồ trung bình đạt 90% dung tích thiết kế (Thanh Hóa 97% Nghệ An 100%, Hà Tĩnh 80%, Quảng Bình 92%, Quảng Trị 91%, Huế 90%). Một số khu vực có nguy cơ ngập lụt, úng khi xảy ra mưa lớn như: Vùng Nam sông Chu, vùng Nam Hưng Nghi, vùng sông Nghèn, Kiến Giang-Lệ Thủy, Hải Lăng, đồng bằng Nam - Bắc sông Hương.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, hiện tại các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận đang sản xuất vụ Mùa 2022 với tổng diện tích sản xuất khoảng 108.000 ha cây hàng năm (gồm 72.000 ha lúa, 36.000 ha cây hàng năm khác). Nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Mùa 2022. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy lợi, trong tháng 11 cần đề phòng diễn biến mưa lũ lớn gây ngập úng cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

Tại khu vực Tây Nguyên, hiện tại, toàn vùng đang sản xuất vụ Mùa 2022, tổng diện tích cây hàng năm gieo trồng toàn vùng khoảng 399.400 ha lúa và cây hàng năm khác (lúa 129.300 ha và 270.000 ha cây hàng năm khác). Nguồn nước dự báo đảm bảo sản xuất vụ Mùa 2022.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại, khu vực đang giai đoạn cuối mùa mưa, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 11/2022 đạt khoảng 86% dung tích thiết kế. Sản xuất nông nghiệp vụ Mùa 2022 trùng với thời kỳ mùa mưa và với lượng nước dự báo cho các hồ chứa; nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vụ Mùa 2022. Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng ngập úng cục bộ do mưa lớn, khi hồ chứa thượng lưu xả lũ, triều cường...

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 11 ở mức cao vào các ngày đầu tháng, sau đó có xu thế giảm đến cuối tháng.  Lũ nội đồng ở vùng thượng, mực nước cao nhất tháng 11 dự báo phổ biến từ 1,2-3,4 m. Tại vùng giữa, lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động 2-báo động 3 và trên mức báo động 3 từ 5-10 cm. Vùng ven biển, lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động 2- báo động 3 và trên báo động 3 từ 5-20 cm.

Với mức lũ này được xem là thuận lợi cho sản xuất vụ Thu Đông, và Đông Xuân. Tuy nhiên, triều cường năm 2022 được dự báo ở mức khá cao sẽ gây ra tình trạng ngập úng, ngập trên các khu vực thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn.

Về nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023, Tổng cục Thủy lợi nhận định, khả năng xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2022-2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn so với các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020. Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi.

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top