Kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi

08:01 - Thứ Hai, 07/11/2022 Lượt xem: 3236 In bài viết

ĐBP - Là địa phương có nhiều thuận lợi phát triển chăn nuôi, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Đến nay toàn huyện có hơn 41.800 con gia súc, trên 250 nghìn con gia cầm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, chủ động các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Cùng với đó, cơ quan chức năng vận động người dân thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi; tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (cây ngô, rơm, rạ...) để dự trữ và ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò.

Ông Mùa A Thu, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Từ đầu năm đến nay, một số xã trên địa bàn huyện xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò. Để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng, huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các xã tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, chú trọng việc theo dõi, đánh giá thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, không gây hoang mang trong xã hội. Huyện triển khai Tháng Vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường và tiêm phòng gần 32.000 liều vắc xin định kỳ đợt 1, đợt 2 năm 2022; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.

Các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện của bệnh, nghi bị bệnh báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng... tại khu vực chăn nuôi, nhất là phải bổ sung các chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Ẳng Nưa là một trong những xã có số lượng đàn gia súc lớn của huyện Mường Ảng. Chủ động phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền trong các cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ. Ngoài ra, xã còn vận động các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin đầy đủ; bổ sung các chất dinh dưỡng, dự trữ thức ăn thô, tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò... Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã ít xảy ra dịch bệnh, đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Là hộ chăn nuôi bò với số lượng lớn, gia đình ông Mùa A Thu, bản Co Hắm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi bằng cách tiêm đủ vắc xin cho vật nuôi lúc giao mùa hoặc khi có khuyến cáo về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chủ động dự trữ rơm, trồng chuối, cỏ voi làm thức ăn cho gia súc khi thời tiết trở lạnh. Nhờ vậy, đàn bò của gia đình phát triển tốt.

Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, huyện Mường Ảng phấn đấu duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh tái phát, lây lan, góp phần hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top