Mưu sinh mùa cà phê

09:32 - Thứ Bảy, 12/11/2022 Lượt xem: 4940 In bài viết

ĐBP - Tháng 10, tiết trời se lạnh, những vệt sương mù đặc quánh len lỏi trên khắp các nương cà phê xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng. Từ sáng tinh mơ, từng đoàn người từ các ngả đổ về khu vực cánh đồng xã Ẳng Nưa để tìm việc làm thời vụ. Già có, trẻ có, thậm chí cả những em nhỏ 2 - 3 tuổi cũng theo cha mẹ lên nương cà phê làm thuê...

Người dân xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng thu hoạch cà phê. Ảnh: Tú Trinh

Đến hẹn lại lên, mỗi mùa cà phê chín, từng đoàn người từ các huyện: Tủa Chùa, Điện Biên và Thuận Châu (Sơn La) lại kéo về huyện Mường Ảng để thu hái cà phê công nhật. Chị Mùa Thị Sua, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa cho biết: Tôi đến Ẳng Nưa được hơn 1 tuần; đoàn hái cà phê của chúng tôi có gần 30 người, chủ yếu là người Mông từ các huyện Tủa Chùa và Điện Biên. Từng tốp từ 3 - 4 người, hoặc 1 gia đình đi với nhau, mang theo đồ dùng và thực phẩm về đây tìm việc hái cà phê. Hái cà phê cho nhà nào thì chúng tôi xin nghỉ nhờ lại nhà đấy, nếu gia đình không có chỗ nghỉ thì mọi người xin căng tạm bạt làm chỗ ăn nghỉ ngay tại bãi cà phê. Hiện nay, cà phê đang chín rộ, trung bình mỗi người hái được từ 50 - 70kg/ngày, người hái nhanh được 100kg, giá trung bình từ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Tính ra một người có thu nhập từ 150.000 đến 300.000 đồng/ngày, hơn nhiều so với ở nhà nên số người về đây hái cà phê tăng cao.

Có mặt tại bãi cà phê gia đình anh Nguyễn Văn Điền, xã Ẳng Nưa. Đang độ chín rộ, người hái tấp nập. Ông Mùa A Ma, lao động đang hái cà phê chia sẻ: Nhà tôi ở xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, các cháu đã trưởng thành, xây dựng gia đình, chỉ còn 2 vợ chồng, cuộc sống trông vào chăn nuôi lợn gà và mấy nghìn ruộng thu nhập bấp bênh. Năm nào cũng vậy, tranh thủ mùa cà phê vợ chồng tôi lại xuống đây hái kiếm thêm thu nhập. Cà phê năm nay được giá nên công thu hái cũng cao hơn so với mọi năm. Từ trưa đến giờ, vợ chồng tôi hái được khoảng 60kg, phấn đấu từ giờ đến chiều tối được 100kg, vì cà bãi này chín cũng đều. 2 vợ chồng xuống đây được gần 1 tuần, trừ tiền ăn, xăng xe cũng để ra được hơn 3 triệu đồng.

Dậy từ khi gà còn chưa rời chuồng, nhóm lửa nấu cơm ăn sáng, đồng thời chuẩn bị luôn cho cả bữa trưa để tranh thủ thời gian hái được nhiều cà phê. Cuối buổi chiều là thời gian vui mừng phấn khởi nhất vì đây là lúc nhận thành quả sau một ngày lao động. Có mặt tại gia đình chị Lò Thị Hoa, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa khi chị đang trả tiền công hái cà phê cho các lao động, gương mặt ai cũng vui mừng phấn khởi. Chị Sùng Thị Sơ, xã Na Tông, huyện Điện Biên - một trong nhiều người đang nhận tiền công chia sẻ: Không có việc làm, thu nhập không ổn định, cực chẳng đã em mới đành để 2 con nhỏ ở nhà (cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi) cho ông bà trông để đi hái cà phê ở Mường Ảng. Hôm nay, em hái được 75kg với giá 3.000 đồng/kg được 225.000 đồng, cũng vui. Nhưng em đang lo tối nay không biết ngủ ở đâu vì cà phê hết sớm, chủ nhà không cho nghỉ ở đây nữa.

Người lao động chờ nhận tiền sau một ngày hái cà phê.

Cũng vì cuộc sống mưu sinh, vì hoàn cảnh gia đình mà mỗi người, mỗi hoàn cảnh từ khắp nơi tập trung về đây hái cà phê. Người thì mang con nhỏ chưa đầy 2 tuổi đi theo; người để con ở nhà cho ông bà trông; nhiều em học sinh đang trong độ tuổi đi học phải nghỉ học giữa chừng theo bố mẹ đi hái cà phê. Em Giàng Thị Cha, đang học lớp 6, Trường THCS Tủa Thàng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa cùng em gái học lớp 5 đã nghỉ học được 2 ngày nay theo bố mẹ về Ẳng Nưa hái cà phê thuê. Em Giàng Thị Cha chia sẻ: Cả nhà em 4 người đều đi hái cà phê. Ở nhà không có ai nên bố mẹ bảo 2 chị em đi cùng về đây để hái cà phê. Chiều hôm nay em cũng hái được 15kg, em gái hái được 12kg.

Rời Ẳng Nưa dưới nắng chiều đổ dài trên những nương cà phê đang mùa chín rộ; người mua, người hái cà phê ra về tấp nập nhộn nhịp khắp các cánh đồng. Bên cạnh niềm vui vì người dân nơi đây được mùa, được giá cà phê mang lại thu nhập cuộc sống ấm no; góp phần tăng thu nhập cho những người lao động từ nơi khác về đây hái cà phê. Nhưng trong lòng tôi cũng có những băn khoăn lo lắng. Dẫu biết đây là những lao động tự do, lao động theo thời vụ; nhưng việc tập trung hàng chục người ở hàng tuần, hàng tháng trời không có nơi ăn chốn ở cụ thể kéo theo rất nhiều vấn đề phát sinh. Trong đó, có cả trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top