Huyện Điện Biên tập trung phát triển giao thông nông thôn

07:31 - Thứ Hai, 14/11/2022 Lượt xem: 3948 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Điện Biên được tập trung đầu tư, nâng cấp, bảo đảm sự kết nối giữa các xã trong huyện, từng bước tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ. Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Tuyến đường nông thôn đội 20, xã Thanh Hưng được bê tông hóa đã tạo điều kiện để người dân đi lại, giao thương hàng hóa.

Xác định phát triển giao thông là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Điện Biên đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với mục tiêu: Bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu... các tuyến đường nối liền trung tâm huyện lỵ với các xã. Cùng với đó, huyện tích cực phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường đến trung tâm các xã, đường liên bản; phối hợp giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, công tác thẩm định, phê duyệt, xác định danh mục, quy mô dự án, công trình được thực hiện đúng trình tự, thẩm quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư công, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh công tác quy hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, huyện Điện Biên đã huy động trên 67 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 20 tuyến đường giao thông liên xã, liên bản, đường nội đồng như: Nâng cấp cầu, đường bản Cò Chạy 1, 2 (xã Mường Pồn); nối tiếp đường bê tông bản Na Cốm (xã Hẹ Muông); sửa chữa, nâng cấp đường từ quốc lộ 279 đi trung tâm xã Na Ư; nâng cấp đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông; xây dựng, nâng cấp cầu treo bản Na Hý (xã Hua Thanh)... 

Tháng 9/2021, từ nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn khác do huyện bố trí hàng năm là 12 tỷ đồng, huyện Điện Biên đã sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ quốc lộ 279 đến bản Nậm Ty, xã Hua Thanh. Tuyến đường có chiều dài 12.856,40m, bề rộng mặt đường 3m, kết cấu mặt đường gồm cấp phối đá dăm dày 12cm; công trình được đầu tư xây dựng với quy mô đường giao thông nông thôn cấp C.

Ông Chu Đình Hùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình huyện Điện Biên cho biết: “Để đảm bảo chất lượng công trình, việc lựa chọn nhà thầu được tổ chức công khai, minh bạch, đáp ứng về năng lực tài chính cũng như kỹ - mỹ thuật và kinh nghiệm thi công. Đơn vị cũng yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc hiện đại, bảo đảm thi công an toàn, chất lượng, đúng thiết kế và tiến độ đề ra. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân”.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” huyện Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích Nhân dân tham gia ủng hộ, hiến công, hiến đất để bê tông hóa các tuyến đường trên địa bàn cư trú; tham gia các khâu trong quy trình làm đường giao thông nông thôn tại các thôn, bản, khu dân cư theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”. Động viên, khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đóng góp kinh phí làm đường. Đến nay toàn huyện có 255,43km đường trục xã, liên xã được cứng hóa, 403,95km đường thôn bản và liên thôn bản được cứng hóa; toàn huyện có 16/21 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Các công trình giao thông nông thôn hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo các xã trên địa bàn huyện, từng bước tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Lò Văn Dương, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên: Thời gian tới, để hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ, huyện Điện Biên tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn; tăng cường huy động các nguồn vốn, thu hút đầu tư, chú trọng công tác xã hội hoá, vận động người dân góp công sức hoàn thành các tuyến đường. Đồng thời, huy động Nhân dân tự quản, tự bảo dưỡng đối với đường ngõ, xóm, đường nội đồng, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM theo đúng lộ trình đề ra.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top