Mường Chà chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi

07:34 - Thứ Hai, 14/11/2022 Lượt xem: 2822 In bài viết

ĐBP - Hiện nay thời tiết bắt đầu chuyển mùa, không khí lạnh xuất hiện nhiều hơn, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của người dân cũng như gây hại đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng huyện Mường Chà đã và đang chủ động phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Người dân xã Na Sang (huyện Mường Chà) làm chuồng trại, dự trữ thức ăn cho vật nuôi vào mùa đông.

Xã Pa Ham hiện có gần 14.000 con gia súc, gia cầm; trong đó, gia súc hơn 3.000 con; gia cầm gần 11.000 con. Đầu năm 2022, đây là một trong những địa phương có đàn vật nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt rét đậm, rét hại. Qua thống kê, toàn xã có 9 con trâu bị chết do rét; nhiều vật nuôi khác bị ảnh hưởng. Ông Màng Văn Nơm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Dù đã được tuyên truyền, nhưng người dân thường ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe đúng kĩ thuật cho đàn gia súc, gia cầm. Mùa đông, người dân không những không chủ động nguồn thức ăn mà còn thả rông vật nuôi trên đồi. Từ đó dẫn đến việc vật nuôi chậm lớn, thậm chí bị chết do rét. Khắc phục tình trạng trên, thời gian gần đây, xã tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chăm sóc cũng như phòng bệnh cho vật nuôi đúng cách. Đặc biệt, bước vào mùa đông, xã chỉ đạo bà con dự trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi, nâng cấp, sửa chữa chuồng trại để bảo vệ đàn vật nuôi đúng cách, hiệu quả.

Khác với xã Pa Ham, tại xã Na Sang, thông qua tuyên truyền, vận động, nhất là khi người dân tự ý thức được giá trị của đàn vật nuôi nên họ đã chủ động phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống đói rét cho vật nuôi của gia đình. Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Những năm gần đây, ý thức bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của người dân đã dần được nâng lên. Họ đã hiểu muốn xóa được đói, giảm được nghèo, phát triển kinh tế, thì phải quan tâm đến vật nuôi, nhất là đầu cơ nghiệp của gia đình mình. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng vật nuôi, đặc biệt là gia súc bị chết do đói, rét.

Ông Lò Văn Hoan, bản Co Đứa, xã Pa Ham là một trong những hộ dân trải qua nhiều khó khăn trong quá trình chăn nuôi nên ông nhận thức rõ việc phải quan tâm, chăm sóc đàn vật nuôi như thế nào cho hiệu quả. Đến nay, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, dù nuôi với số lượng hàng chục con gia súc, vài trăm con gia cầm nhưng đàn vật nuôi của ông luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Hoan cho biết: Gia đình tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng các loại vắc xin và theo dõi giám sát chặt chẽ tình trạng phát triển của đàn vật nuôi. Đặc biệt, khi thời tiết diễn biến thất thường hoặc chuyển mùa, tôi thường dọn dẹp sạch sẽ chuồng trại, bổ sung nước và đặc biệt là chế độ ăn có các khoáng chất để tăng sức đề kháng, khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi.

Huyện Mường Chà hiện có gần 250.000 con gia súc, gia cầm; trong đó, hơn 20.000 con trâu, bò; gần 23.000 con lợn; khoảng 200.000 con gia cầm. Với số lượng đàn vật nuôi lớn như vậy, nhằm đảm bảo sinh trưởng và sự phát triển của đàn vật nuôi, ngay từ đầu mùa đông, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Căn cứ vào chức năng được giao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi tầm quan trọng của công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn bà con làm mới, gia cố, che chắn chuồng trại, phù hợp với từng loại gia súc, gia cầm để tránh gió lùa và đảm bảo vệ sinh; dự trữ củi, trấu để đốt sưởi trong những ngày rét đậm, rét hại. Đặc biệt, đối với gia súc, ban ngày chăn thả, tối đưa trâu, bò về chuồng. Nhắc nhở bà con thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột sắn, cho uống nước ấm pha muối, khi nhiệt độ xuống thấp...

Không chỉ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, thời gian qua, huyện Mường Chà cũng đã nỗ lực kiểm soát, ngăn ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi, như: Bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò... bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Từ đó, góp phần duy trì ổn định, nâng cao chất lượng và phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top