Nhiều khó khăn trong triển khai các dự án mắc ca

08:48 - Thứ Tư, 16/11/2022 Lượt xem: 4112 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án mắc ca tỉnh đã nhiều lần họp, nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo nhằm tháo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương có dự án đã tích cực đồng hành, phối hợp với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca trên địa bàn vẫn rất chậm, có những dự án dậm chân tại chỗ 2 năm nay.

Đại biểu HĐND tỉnh khảo sát tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Mường Ảng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 85.815ha. Các dự án đã thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai được 15.395ha (đạt 18%); tổ chức trồng được 4.210,85ha cây mắc ca (đạt 28,5% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022). Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khiến tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca bị chậm. Trong đó công tác phối hợp giữa nhà đầu tư với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án trồng mắc ca chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; các nhà đầu tư có biểu hiện thờ ơ, thiếu nhiệt tình trong việc giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Huyện Nậm Pồ có hai dự án trồng mắc ca do Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Điện Biên và Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên thực hiện. Tổng diện tích quy hoạch hai dự án này 15.855ha. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết nên đến nay các nhà đầu tư chưa thể thực hiện trồng mắc ca.

Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai dự án, huyện Nậm Pồ đã thành lập Ban chỉ đạo huyện, thành lập 4 tổ giúp việc Ban chỉ đạo; chỉ đạo thành lập 121 tổ dân vận cơ sở trực tiếp họp, tuyên truyền đến người dân về hiệu quả cây mắc ca và cơ hội việc làm mà các dự án mắc ca đem lại. Song nhà đầu tư lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Lãnh đạo huyện đã nhiều lần gọi điện trao đổi trực tiếp, gửi giấy mời nhà đầu tư vào địa bàn nhằm thống nhất cách giải quyết nhưng các đơn vị không mấy mặn mà. Có nhà đầu tư sáng vào huyện làm việc xong với Huyện ủy, UBND huyện là rời khỏi địa bàn, không đi kiểm tra thực tế tình hình triển khai, các khó khăn của dự án. Điều này khiến công tác tuyên truyền của địa phương càng thêm khó, người dân thì mất niềm tin.

Tương tự, thời gian qua Huyện ủy, UBND huyện Mường Ảng đã rất sát sao, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn và cấp ủy, chính quyền cấp xã đồng hành cùng doanh nghiệp để triển khai dự án mắc ca. Huyện Mường Ảng đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch thực hiện năm 2022. Đến nay đã bố trí kinh phí đo đạc, quy chủ trên 1.800ha để doanh nghiệp trồng mắc ca theo hình thức nhà nước cho thuê đất và trên 300ha thực hiện theo hình thức liên kết với người dân.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: Huyện Mường Ảng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mặc dù tỉnh đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế chính sách cụ thể và huyện đã rất nỗ lực, trách nhiệm song trách nhiệm của doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên - PV) trong thực hiện dự án là chưa rõ ràng. Cụ thể, doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đo đạc, nghiệm thu hố trồng cây, cấp cây giống cho các hợp tác xã; nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa thực hiện phê duyệt dự án; chưa chủ động thực hiện liên kết trồng mắc ca với người dân; nguồn lực tài chính, hệ thống cán bộ kỹ thuật còn hạn chế. Huyện nhiều lần gọi điện mời doanh nghiệp ra địa bàn để thống nhất các phương án nhưng doanh nghiệp không đến.

Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên đang được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư 3 dự án trồng mắc ca với tổng quy mô dự án là 30.000ha. Bao gồm: Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại các huyện Mường Ảng, Tủa Chùa (8.000ha); Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ (20.000ha) và Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo (2.000ha). Tại huyện Tuần Giáo, theo tiến độ được phê duyệt, đến hết năm 2019 dự án phải trồng xong toàn bộ diện tích 2.000ha, đến nay dự án đã trồng được 1.498,7ha, đạt 75% so với quy mô phê duyệt của dự án. Trong 2 năm vừa qua, Công ty không trồng thêm diện tích nào. Dự án tại huyện Mường Ảng, tổng diện tích đã thực hiện trồng cây mắc ca đạt 351,43ha (trong đó diện tích nhà đầu tư thực hiện 310ha; diện tích liên kết với người dân 41,43ha). Tuy nhiên, diện tích thực trồng năm 2022 là 41,43ha còn diện tích nhà đầu tư trồng tại xã Ngối Cáy đã thực hiện trước thời điểm dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với dự án tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, tổng diện tích đã thực hiện trồng đến nay là 452,22ha (đạt 36% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022). Đây là diện tích thực hiện trồng trước khi Công ty được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong 2 năm qua Công ty không thực hiện trồng cây mắc ca. Điều đáng nói là, hiện nay diện tích mắc ca đã trồng tại xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) gần như bị doanh nghiệp bỏ quên, không tập trung chăm sóc. Các vườn mắc ca cỏ mọc um tùm, cao hơn cây mắc ca. Công ty cũng đang nợ lương lao động địa phương nên người dân cũng không mặn mà với việc ký hợp đồng lao động với công ty. Tại nhiều cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên cho biết: Hiện nay Công ty dồn lực thực hiện việc xác định giá trị vườn cây ở huyện Tuần Giáo để thực hiện các thủ tục tín dụng. Do đó việc thực hiện các dự án còn lại đang bị chậm so với kế hoạch.

Các nhà đầu tư thực hiện dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư thì cho rằng: Hiện nay, các doanh nghiệp chưa tạo được vùng lõi để tập trung triển khai thực hiện dự án do việc thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai mất nhiều thời gian; thường xuyên gặp phải những khó khăn, vướng mắc (tranh chấp đất đai, người dân một số nơi chưa đồng thuận...).

Được biết, đối với các nhà đầu tư đang chậm tiến độ, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ thực hiện dự án trong năm 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời cam kết cụ thể về các vấn đề liên quan đến chất lượng cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai dự án... Nếu hết thời gian gia hạn mà nhà đầu tư vẫn không thực hiện đúng cam kết, UBND tỉnh sẽ quyết định giảm quy mô hoặc thu hồi chủ trương đầu tư dự án.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top