Hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp

10:11 - Thứ Hai, 21/11/2022 Lượt xem: 6946 In bài viết

ĐBP - Năm 2022, TP. Điện Biên Phủ đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn cùng mục tiêu để triển khai các mô hình thí điểm về phát triển sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Bước đầu các mô hình đã cho thấy hiệu quả kinh tế, giúp người dân, nhất là các xã vùng ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng sản lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Cán bộ Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp TP. Điện Biên Phủ tổng kết mô hình sản xuất, trồng cây bí xanh thơm tại xã Nà Nhạn.

Tháng 6/2022, Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp TP. Điện Biên Phủ triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Nà Nhạn quy mô 3ha (2ha trồng bí thơm, 1ha trồng dưa xá) với 31 hộ dân tham gia. Trong thời gian thực hiện, các hộ dân đã nắm được quy trình, cách thức tiến hành sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây dưa xá và bí thơm. Kết thúc mô hình, sản phẩm dưa xá và bí thơm cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo yêu cầu.

Bà Lường Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn cho biết: Đây là mô hình thử nghiệm nhằm lựa chọn sản phẩm phát triển OCOP trên địa bàn xã Nà Nhạn. Trên cơ sở kết quả mô hình thí điểm, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân duy trì và nhân rộng mô hình trong các vụ tiếp theo, tiến tới hình thành thương hiệu dưa xá Nà Nhạn, bí xanh thơm Nà Nhạn. Cùng với đó, UBND xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm; quan tâm đến công tác tiếp thị, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Pá Khoang là xã duy nhất trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là 2 rào cản rất lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Pá Khoang. Để hỗ trợ xã Pá Khoang thực hiện tiêu chí thu nhập, TP. Điện Biên Phủ đã triển khai dự án liên kết trồng và tiêu thụ ổi Ruby (Đài Loan) quy mô 10ha với 28 hộ dân tham gia dự án. Thành phố đã hỗ trợ 3.150 cây ổi giống, 12.600kg vật tư, phân bón các loại, đồng thời cử cán bộ hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi. Qua đánh giá bước đầu, tỷ lệ cây sống đạt 96,6%; cây ổi sinh trưởng phát triển tốt.

Anh Quàng Văn Chuyên, bản Bó, xã Pá Khoang cho biết: Tôi đã chuyển đổi gần 1ha đất nương trồng ngô, sắn để trồng cây ổi Ruby theo hình thức liên kết sản xuất. Tham gia mô hình tôi được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn kiến thức và có cán bộ nông nghiệp thành phố hướng dẫn kỹ thuật trồng cây. Đến nay vườn ổi phát triển rất tốt. Theo dự kiến, sau 3 năm kiến thiết vườn ổi sẽ cho thu hoạch và toàn bộ sản phẩm sẽ được đơn vị liên kết bao tiêu.

Theo báo cáo của phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ, năm 2022 UBND thành phố đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn như: Nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp, nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn vốn khác để triển khai các dự án, mô hình phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, từ nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa đã thực hiện mô hình “ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022” tại xã Mường Phăng, Pá Khoang với quy mô 24ha, 136 hộ tham gia (xã Pá Khoang 12ha, xã Mường Phăng 12ha); thực hiện 3 mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa vụ mùa năm 2022 tại các xã, phường: Thanh Minh, Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang, Nam Thanh, Thanh Trường, Noong Bua với quy mô 71ha, 601 hộ dân tham gia. Nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng dâu tây Hana theo hướng hữu cơ” tại xã Mường Phăng với quy mô 1,4ha và dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín”. Đối với nguồn hỗ trợ nông nghiệp, thành phố thực hiện “dự án liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà thịt an toàn sinh học vụ 3” tại 12 xã, phường với quy mô 18.750 con. Kết thúc mô hình, tỷ lệ gà sống đến xuất chuồng đạt trên 80%; trọng lượng xuất chuồng đạt 2,01kg/con, các hộ dân thu lợi nhuận 40.000 đồng/con. Ngoài ra còn một số dự án, mô hình khác như: “Dự án liên kết trồng và tiêu thụ ổi Ruby” tại xã Pá Khoang; “liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm ngô vụ đông năm 2022” với quy mô 14,99ha; “liên kết nuôi và tiêu thụ cá trắm giòn” tại các xã, phường trên địa bàn thành phố.

Bà Trần Thị Mai, Trưởng phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ cho biết: Các mô hình, dự án triển khai đều đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đó là cơ sở để thành phố thực hiện chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng phù hợp với thực tế địa phương. Từ đó giúp người dân có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giúp địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top