Huyện Tuần Giáo phát triển nông nghiệp bền vững

07:32 - Thứ Tư, 23/11/2022 Lượt xem: 5856 In bài viết

ĐBP - Với vị trí “cửa ngõ” của tỉnh và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, huyện Tuần Giáo xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung phát triển trồng trọt là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Những năm qua, mục tiêu đó đã được cụ thể hóa, mang lại hiệu quả thực tế.

Cán bộ khuyến nông xã Quài Cang hướng dẫn ông Lò Văn Tươi, bản Phủ chăm sóc cây ăn quả.

Thời gian qua, huyện Tuần Giáo đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng xã; tập trung đầu tư vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế như: Sản xuất lúa gạo, ngô, cao su, mắc ca, cà phê, cây lâm sản ngoài gỗ... Đồng thời tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ lực, phù hợp theo hướng liên kết hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững, tập trung nguồn lực vào phát triển cây lương thực, cây ăn quả, cây mắc ca, cây dược liệu... Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; kêu gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư cho nông, lâm nghiệp...

Việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả: Sản xuất lương thực đảm bảo an ninh lương thực, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 37.935 tấn; phát triển chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, với diện tích hiện có khoảng 335,5ha; gần 500ha cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị. Trong đó có sa nhân (140ha), thảo quả (83,5ha), sơn tra (206,1ha), hồi (15ha)... Đặc biệt, huyện thử nghiệm và mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu với 2,3ha. Cây mắc ca được quản lý, chăm sóc và trồng mới, hiện có trên 1.500ha, đã có 314ha cho thu quả, sản lượng quả tươi 135 tấn. Cà phê tiếp tục mang lại những mùa thu hoạch có giá trị kinh tế cao, với hơn 470ha, sản lượng 500 tấn.

Các vùng chuyên canh trên địa bàn huyện dần hình thành. Tỏa Tình nổi tiếng với cà phê, sơn tra; Tênh Phông đẩy mạnh phát triển cây dược liệu; mắc ca tập trung chủ yếu tại Quài Cang, Quài Nưa. Cây ăn quả (bưởi, xoài) cũng được phát triển ở nhiều địa bàn, trong đó nhiều nhất tại các xã Quài Cang, Rạng Đông, Pú Nhung... Tại xã Quài Cang, ông Lò Văn Khuyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: “13 bản của xã đều có góp đất trồng mắc ca với trên 800ha. Trong năm 2022, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cho nhân dân trên địa bàn xã đăng ký trồng mắc ca theo hình thức hợp tác xã tại một số bản với diện tích 26,36ha. Đối với các diện tích cây ăn quả đã trồng từ những năm trước (hơn 20ha) tiếp tục chăm sóc, phát triển để tăng năng suất, chất lượng, tạo thu nhập ổn định cho người dân”.

Gia đình ông Lò Văn Tươi, bản Phủ, xã Quài Cang mới hái bán hết số bưởi da xanh và đang hi vọng vào mùa mít Thái đầu tiên. Ông Tươi cải tạo vườn cà phê để trồng cây ăn quả từ năm 2017 - 2018. Vụ trước, mít và bưởi đều đã cho quả bói, gia đình để ăn và đánh giá chất lượng; năm nay mới bán ra thị trường. Ông Tươi chia sẻ: “Vườn nhà tôi có 200 gốc bưởi được hỗ trợ theo dự án và 150 gốc mít Thái. Năm nay tuy quả chưa sai nhưng lần đầu bán đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Gia đình tôi bán được hơn 1 tạ bưởi, giá trung bình 30.000 đồng/quả; nhiều người đặt mua từ trước, vào tận vườn hái, không đủ để bán. Mít thì đang ra nhiều quả nhỏ, vụ trước ăn thử rất ngon, nặng đến hơn 10kg. Vợ chồng tôi tập trung chăm sóc, phòng chống sâu bệnh, côn trùng để thu hoạch được mùa mít”.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tuần Giáo xác định thời gian tới định hướng địa điểm, khu vực đất đai phù hợp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế theo hướng liên kết sản xuất hàng hoá bền vững. Trong đó, huyện xác định 3 mũi nhọn: Phát triển cây mắc ca, phát triển cây ăn quả và cây dược liệu”.

Để làm được điều đó, huyện chú trọng, tăng cường phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; tuyên tuyền, vận động, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối hướng dẫn tổ chức sản xuất, kết nối hợp tác tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Cùng với đó áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; quan tâm đầu tư cho hoạt động sơ chế, chế biến sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu, mẫu mã sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Tiếp tục kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có thị trường tiêu thụ đến tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đầu tư cây mắc ca, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả, cây cà phê, cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị kinh tế...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top