Tủa Chùa tạo việc làm cho lao động nông thôn

07:48 - Chủ Nhật, 27/11/2022 Lượt xem: 5396 In bài viết

ĐBP - Huyện Tủa Chùa có hơn 33.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm trên 50% dân số; trong đó tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn. Vì vậy đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nội dung quan trọng được huyện Tủa Chùa chú trọng thực hiện nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách, xã hội huyện Tủa Chùa, chị Lò Thị Cơi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa đã có việc làm thường xuyên từ việc chăn nuôi trâu vỗ béo.

Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các cơ quan chức năng, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình giải quyết việc làm tới người dân. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, các đơn vị tuyển dụng lao động tổ chức hội nghị tư vấn tuyển dụng lao động, tập trung vào các nội dung về: Chính sách dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm của huyện, của tỉnh; các chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động của từng đơn vị tuyển dụng... Huyện Tủa Chùa cũng triển khai nhiều biện pháp cụ thể như: Mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của thị trường và mong muốn của người lao động; tạo điều kiện để người lao động được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở trong và ngoài tỉnh để tư vấn, giới thiệu cho lao động trên địa bàn; khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng xây dựng các làng nghề, hợp tác xã, khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nhằm tạo việc làm cho lao động địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, Quỹ Vì người nghèo, các chính sách tín dụng ưu đãi, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm... huyện Tủa Chùa đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới cho hơn 7.500 lao động. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã tạo việc làm mới cho hơn 800 lao động (đạt gần 107% kế hoạch); duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 35.200 người. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn cho 220 lao động đi làm việc ở trong nước theo hợp đồng và đưa 2 lao động đi xuất khẩu lao động. Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt khoảng 30%, lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 98%. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Huyện Tủa Chùa đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025, đào tạo sơ cấp nghề cho 3.200 lao động nông thôn; đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề từ 80% trở lên. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Tủa Chùa xác định tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác giải quyết việc làm, gắn công tác đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách việc làm. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc làm, xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động. Triển khai thực hiện các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với chỉ tiêu tạo việc làm, đặc biệt ưu tiên sử dụng lao động địa phương, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... lồng ghép công tác giải quyết việc làm với các chương trình, dự án tại địa phương. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu của người sử dụng lao động, nhu cầu nhân lực của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn ủy thác của địa phương cho vay giải quyết việc làm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện các nội dung kế hoạch giải quyết việc làm trên địa bàn.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top