Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

07:51 - Thứ Sáu, 02/12/2022 Lượt xem: 7203 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, một số hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Điển hình như Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc” do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tỉnh triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả cao.

Dự án thực hiện trong 2 vụ (2020, 2021) với diện tích ao nuôi 2.200m2. Qua 2 vụ sản xuất, nuôi cá rô phi bằng công nghệ Biofloc cho tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện và giảm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Hạch toán kinh tế thu về tiền lãi gần 64 triệu đồng; tương đương với lãi ròng mỗi héc ta đạt trên 145 triệu đồng/vụ.

Người dân huyện Điện Biên chăm sóc rau an toàn.

Ngoài ra, trong lĩnh vực chăn nuôi đã triển khai 2 dự án chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô từ 1.200 - 3.000 con lợn thịt (2 - 3 lứa/năm). Các doanh nghiệp đã thực hiện liên kết với các công ty chăn nuôi lớn như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lợn thịt theo hướng hàng hóa, chất lượng cao theo tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), kết hợp phương pháp xử lý ép tách phân giảm chi phí xây bể biogas, bảo vệ môi trường sinh thái. Cùng với đó, áp dụng công nghệ cao nuôi thâm canh một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như: Cá rô phi đơn tính, cá nheo Mỹ, cá tầm...

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước mang lại kết quả tích cực. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, như: Mô hình sản xuất lúa tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên với quy mô 10ha; mô hình trồng bưởi, thanh long của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green tại xã Thanh Yên với quy mô 3ha; mô hình trồng rau, củ, quả của Hợp tác xã Trang trại sinh thái Điện Biên quy mô 1ha... Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần đưa sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao góp phần nâng giá trị đóng góp của ngành Nông nghiệp vào GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 18,76%.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tăng cường phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng liên kết chuỗi giá trị bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (tích hợp vào quy hoạch tỉnh) để kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng đầu tư, thực tiễn sản xuất. Ưu tiên các chính sách giao đất, cho thuê đất, mặt nước ở những vị trí thuận lợi cho phát triển công nghệ cao. Cùng với đó, tiếp tục hợp tác với các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học trong các hoạt động thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông, lâm nghiệp. Trong đó chú trọng các mô hình sản xuất khép kín, ứng dụng quy trình sản xuất có chứng nhận (VietGAP, hữu cơ...), tự động hóa trong chăm sóc, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với thực tiễn sản xuất và nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top